Chắc hẳn nhiều bố mẹ đã từng nghe đến phương pháp giáo dục Montessori. Đây là phương pháp giáo dục đã trở thành hình mẫu cho rất nhiều trường học, nhà trẻ hay các gia đình ở Châu Âu, và gần đây đang nhận được sự chú ý của các phụ huynh ở các nước khác như Nhật, Hàn, Việt Nam…
Ở bài viết này, mình sẽ giới thiệu về đặc điểm và nội dung của phương pháp này.
Phương pháp giáo dục Montessori là gì?
Phương pháp Montessori được đề xướng bởi Maria Montessori- nữ tiến sĩ y khoa người Ý. Đây là kết quả được bà viết ra dựa trên những quan sát về sự phát triển trong từng giai đoạn của trẻ.
Mục đích của phương pháp Montessori là nuôi dưỡng trẻ em trở thành người có tình thương yêu với người khác, không ngừng học hỏi và có khả năng tự lập.
Quan điểm cơ bản của phương pháp Montessori đó là: trẻ được trang bị đầy đủ khả năng tự phát triển từ khi sinh ra. Để phát huy tối đa khả năng tự phát triển của trẻ, người lớn nên đảm bảo sự tự do của trẻ, luôn tôn trọng trẻ, không can thiệp, gò bó; đồng thời luôn sẵn sàng hỗ trợ trẻ bằng cách cung cấp môi trường phù hợp, sử dụng những giáo cụ chuyên dụng sao cho trẻ có thể tự lựa chọn điều mình muốn làm. Vì thế, giáo dục theo phương pháp Montessori đòi hỏi người lớn cần phải hiểu được những yêu cầu ở từng giai đoạn phát triển của trẻ, đồng thời tiến hành hỗ trợ trẻ phát huy được khả năng tự phát triển của mình.
Những đứa trẻ được lớn lên trong môi trường như thế này sẽ dễ dàng học được cảm xúc thoả mãn khi đã làm được điều gì đó; khả năng tự quyết định; khả năng giải quyết vấn đề; khả năng tập trung; rèn luyện sự kiên trì… Những khả năng và cảm xúc này sẽ giúp trẻ hình thành tính tự chủ, tự phát huy được những tiềm năng của bản thân trong tương lai. Có lẽ đây chính là lý do mà nhiều người vẫn gọi phương pháp này là “phương pháp nuôi dưỡng thiên tài”.
Đặc điểm của phương pháp giáo dục Montessori
-
Chú trọng vào sự phát triển và hoạt động của từng cá thể
Montessori rất coi trọng “thời kỳ nhạy cảm” của trẻ. Phương pháp này khuyến khích người lớn tìm hiểu về từng “thời kỳ nhạy cảm” của trẻ, tạo điều kiện để trẻ được lựa chọn điều mà mình muốn làm; trẻ sẽ tự lặp đi lặp lại những hành động giống nhau cho đến khi trẻ thu hoạch được một “kỹ năng mới” nào đó.
-
Kích thích tính tò mò của trẻ
Montessori chú trọng vào việc cung cấp môi trường tự do để lôi kéo tính tò mò của trẻ một cách tự nhiên.
-
Lớp học tập trung không chia theo độ tuổi
Các lớp học của Montessori không chia theo độ tuổi, mà cho trẻ được học ở các lớp có đủ độ tuổi khác nhau. Nhờ vậy mà các bé có thể học hỏi lẫn nhau, các bé nhỏ sẽ nhìn và học theo các bé lớn, còn các bé lớn thì học được cách chăm sóc các bé nhỏ.
-
Cung cấp môi trường phù hợp
Theo Montessori, môi trường lý tưởng là môi trường có đầy đủ các giáo cụ thu hút được sự yêu thích của trẻ, đồng thời được sắp xếp sao cho trẻ có thể tự do lựa chọn đồ mình muốn chơi.
Khi tiến hành chuẩn bị môi trường cho trẻ, người lớn cần phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
- Trẻ có thể tự do lựa chọn đồ chơi
- Đồ chơi phải đủ bắt mắt, hấp dẫn để thu hút sự chú ý của trẻ
- Cần phải chuẩn bị môi trường phù hợp từng giai đoạn phát triển của trẻ
- Nếu được thì nên cho trẻ tiếp xúc với trẻ ở các độ tuổi khác nhau
“Thời kỳ nhạy cảm” là gì?
Khi áp dụng phương pháp này, chúng ta sẽ thường nghe đến từ “thời kỳ nhạy cảm”. Theo Montessori, sự phát triển của trẻ được tính từ năm 0 tuổi cho đến hết năm 24 tuổi, và giai đoạn từ 0-6 tuổi được xem là giai đoạn phát triển đầu tiên.
Đây là thời kỳ mà trẻ sẽ học được thêm “kỹ năng mới”, khiến trẻ trở nên nhạy cảm với một số sự vật, sự việc đặc biệt hơn bình thường. Những “kỹ năng mới” ở đây là những kỹ năng bao gồm cả vận động và trí não. Mình xin phép được đưa ra một vài ví dụ về những kỹ năng mà trẻ học được trong giai đoạn từ 0-6 tuổi như dưới đây.
- Kỹ năng vận động: Từ 0-3 tuổi, trẻ học những kỹ năng vận động cơ bản như bò, đứng, đi lại. Từ 3-6 tuổi, trẻ sẽ mài giũa và học cách kiểm soát những vận động này. Đó là lý do mà trong giai đoạn này, đa số trẻ đều thích các trò như rút giấy ăn khỏi hộp, lên xuống cầu thang… và trẻ sẽ lặp đi lặp lại những điều này, đồng thời luôn muốn tự mình làm chứ không muốn nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn.
- Kỹ năng ngôn ngữ: Giai đoạn 0-3 tuổi trẻ sẽ học nói, giai đoạn 3-6 tuổi trẻ thường có hứng thú với chữ viết. Vì thế, giai đoạn 0-3 tuổi trẻ sẽ nói rất nhiều, còn từ 3-6 tuổi thì trẻ lại có xu hướng thích sách vở…
- Kỹ năng cảm nhận: Giai đoạn 0-3 tuổi, trẻ bắt đầu nhận thức sự vật bằng các giác quan của mình, đến giai đoạn 3-6 tuổi, trẻ sẽ mài giũa các giác quan này và dần dần lý giải sự vật, hiện tượng ở mức độ khó hơn.
Tất nhiên, không phải “thời kỳ nhạy cảm” của trẻ nào cũng giống nhau, mỗi trẻ sẽ có một cách thức và thời gian riêng của mình, nhưng việc người lớn hiểu rõ những đặc điểm này và tạo môi trường phù hợp cho trẻ sẽ là nhân tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ.
Phương pháp giáo dục Montessori còn giới thiệu những biện pháp ứng phó với “thời kỳ nhạy cảm” của trẻ như dưới đây:
-
Tạo môi trường để trẻ có thể tự làm
Trong thời kỳ mẫn cảm, trẻ sẽ thể hiện rõ mong muốn được tự làm mọi việc. Đây chính là lúc người lớn cần chuẩn bị môi trường để trẻ có thể tự làm một mình.
Ví dụ, trẻ muốn tự đi rửa tay, bố mẹ nên chuẩn bị 1 cái bệ an toàn để trẻ có thể với tới vòi nước và xà phòng, tự mình rửa tay. Hay là nếu trẻ muốn tự cất áo khoác của mình, bố mẹ có thể để móc áo ở tầm tay của trẻ, để trẻ có thể tự treo áo vào.
-
Khiến trẻ chủ động giúp đỡ người khác
Khi đến “thời kỳ nhạy cảm về vận động”, trẻ thường thích bắt chước các động tác của người lớn, ví dụ như thích trò chơi đồ hàng để bắt chước mẹ nấu nướng, dọn dẹp… điều này chứng tỏ trẻ đã sẵn sàng để giúp đỡ người khác. Nếu bố mẹ bỏ qua thời kỳ này mà coi đây chỉ là trò chơi của trẻ con thì thực sự rất đáng tiếc.
Bố mẹ nên tạo điều kiện để con tham gia vào công việc nhà nhiều hơn nữa, ví dụ từ những việc nhỏ mà con có thể làm được như lau bàn ăn, dọn mâm cơm, gấp quần áo… Trước hết, bố mẹ có thể gợi ý con cùng làm, và làm mẫu cho con xem trước. Chắc chắn là con sẽ rất hào hứng tham gia. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm của con đối với sự vật, sự việc xung quanh.
-
Tạo điều kiện cho trẻ phát huy sở thích của mình
Chắc hẳn nhiều khi bố mẹ sẽ thấy trẻ tập trung vào một vật, một việc trong thời gian rất lâu. Điều đó chứng tỏ trẻ thực sự rất có hứng thú với nó. Những lúc đó, thay vì yêu cầu trẻ chuyển sang trò chơi khác, hoặc là can thiệp gián đoạn sự tập trung của trẻ, bố mẹ hãy cứ để con được tiếp tục với trò chơi của mình, tất nhiên là ngoại trừ các nhân tố không tốt như xem tivi, điện thoại…
Ví dụ, nếu trẻ thích vẽ tranh, bố mẹ có thể chuẩn bị bộ dụng cụ vẽ tranh, để ở nơi trẻ có thể tự lấy để vẽ và tự dọn dẹp được. Đây cũng là một cách để giúp trẻ học được cách tự dọn dẹp, quản lý đồ đạc của mình.
-
Cho trẻ tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài
Không chỉ đưa ra nhiều gợi ý về các trò chơi trí tuệ trong nhà, Montessori cũng rất khuyến khích trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Có rất nhiều điều thú vị mà trẻ có thể trải nghiệm ở ngoài trời, ví dụ như ngắm đàn kiến di chuyển, tìm các loại sâu, hình dáng lá cây, màu sắc của thiên nhiên…
Mình từng thấy bố mẹ Nhật bày trò đi tìm các đồ vật có màu sắc chỉ định ở công viên, ví dụ tìm tất cả các đồ có màu vàng ở trong công viên… trẻ rất hứng thú với những trò đó và tham gia rất nhiệt tình, thậm chí còn tranh luận xem màu này có hợp lệ không, có được tính là màu vàng không. Thông qua trò chơi, trẻ vừa được vận động, vừa học thêm nhiều điều mới liên quan đến thiên nhiên, môi trường xung quanh.
Nội dung của phương pháp giáo dục Montessori
-
Luyện tập các hoạt động cơ bản trong sinh hoạt
Những hoạt động cơ bản như rót nước vào cốc, đóng khuy áo… hay những việc nhà ở mức độ khó hơn như nấu ăn, giặt quần áo…không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng điều khiển ngón tay hay các bộ phận trên cơ thể, mà còn xây dựng tinh thần trách nhiệm và khả năng tự lập của trẻ trong cuộc sống hàng ngày.
-
Giáo dục cảm xúc
Thời kỳ 0-6 tuổi được coi là thời kỳ giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác) của trẻ rất phát triển. Bố mẹ có thể thấy là trẻ rất muốn được sờ, được cho vào miệng, được ngửi… các đồ vật xung quanh. Kích thích sự phát triển của giác quan trong thời gian này sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển về mặt trí tuệ của trẻ.
Vì vậy mà Montessori đã đưa ra rất nhiều đồ chơi để kích thích sự phát triển giác quan cho trẻ. Trong bối cảnh internet và mua sắm online phổ biến như hiện nay, bố mẹ có thể dễ dàng tìm được những đồ chơi Montessori hoặc bố mẹ cũng có thể tự làm các đồ chơi này cho con.
-
Giáo dục ngôn ngữ
Montessori chú trọng vào kích thích sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, bao gồm các kỹ năng nói, đọc, viết. Tùy theo từng giai đoạn phát triển mà Montessori đưa ra các giáo cụ như thẻ, trò chơi ngôn ngữ, các bài luyện tập để bố mẹ cũng như thầy cô cùng trẻ luyện tập.
-
Giáo dục toán học
Bố mẹ nên cho trẻ làm quen với môn toán bằng cách giúp trẻ nhận diện các chữ số đến các phép tính cơ bản.
-
Giáo dục văn hóa
Bố mẹ có thể giúp trẻ làm quen với các nước trên thế giới, thông qua việc giới thiệu những kiến thức cơ bản về địa lý, lịch sử, động thực vật, truyền thống văn hóa… của quốc gia đó.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về phương pháp giáo dục Montessori. Bài thì khá dài, nhưng mình hy vọng mọi người có thể hiểu được quan điểm cơ bản của Montessori, đó là trẻ sinh ra đã có khả năng tự phát triển, và người lớn đóng vai trò hỗ trợ để trẻ phát huy được hết khả năng đó.
Ở bài tiếp theo, mình sẽ chia sẻ về cách để bố mẹ có thể vận dụng phương pháp giáo dục Montessori tại nhà.