Đầu năm, mẹ Kem xin phép được giới thiệu một người bạn, một người em gái mà mẹ Kem cực kỳ nể phục- bạn Yến Đào. Chúng mình quen nhau khi cùng sang Nhật, Yến học trao đổi, còn mình học dự bị thạc sĩ. Lúc đó đã cảm nhận được cô em gái này là người sống tích cực, hết mình vì bạn bè, nhưng điều làm mình nể hơn cả đó là: hiện tại, em ấy cũng là một người mẹ bỉm sữa, nhưng vẫn dành thời gian cho việc học và cống hiến hết mình cho công việc, cho hoạt động xã hội. Nhìn vào bảng thành tích dưới đây, liệu bạn có nghĩ cô gái này đã là vợ, là mẹ? Không biết bí quyết nào đã giúp Yến có được những thành tích đáng nể này? Chúng mình cùng gặp gỡ bạn Yến để tìm câu trả lời nhé.
Yến có thể giới thiệu một chút về bản thân cho bạn đọc được biết không?
Chào mọi người, em là Yến - một cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng đất “vàng đen” Quảng Ninh. Năm nay em sẽ bước sang ngưỡng tuổi đầu ba, nhưng trong lòng em luôn nghĩ em mới chỉ đôi mươi thôi (Cười). Hiện em đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Em đã kết hôn và có một bé trai ba tuổi.
Niềm đam mê lớn nhất cuộc đời em là học ngoại ngữ, và chính tình yêu với ngôn ngữ đã giúp em có được những thăng hoa trong học tập và công việc như bây giờ.
Em tốt nghiệp Đại học Ngoại thương chuyên ngành tiếng Nhật thương mại, từng có thời gian học tập tại Nhật, và vừa hoàn thành chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh MBA của Hoa Kỳ bằng tiếng Anh. Ngoài ra, em có thể sử dụng khá thành thạo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Trung và giao tiếp trên nhiều chủ đề bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Hàn. Tất cả các ngôn ngữ được em trau dồi bằng việc tự học và học tập chính quy trên trường, không qua Trung tâm hay lớp học thêm nào.
Em có niềm yêu thích đặc biệt với sách và không kén thể loại nào cả, hầu như thể loại nào em cũng đã đọc qua, kể cả văn học trong nước hay nước ngoài, và đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mỗi ngày em đặt mục tiêu là cố gắng dành ra 30 phút đọc sách. Duy trì thói quen đọc sách khiến em trở nên tích cực hơn, nhân sinh quan cũng thay đổi theo chiều hướng tốt lên, và nó đã tạo được ảnh hưởng tốt đến con trai em khi con cũng đang có thói quen này.
Châm ngôn yêu thích của em là Cho đi là nhận lại(Go-giver) và Học tập là việc cả đời (Life-long learning). Tinh thần này được em ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống, và nó đã đem lại niềm hạnh phúc và những giá trị tốt đẹp mà em luôn trân trọng. Em luôn tâm niệm là mục đích sống của đời người là sống vui vẻ và sống có ích, và em luôn sống hết mình để cảm nhận được điều đó.
Em có thể kể về những dự án mà em đã và đang tham gia được không?
Bản thân em tự thấy em là người tham việc, thích trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Sau bốn năm làm về du học và đào tạo quốc tế tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, em quyết định ra ngoài làm việc vì nhận thấy năng lực của mình cần một nơi dụng võ phù hợp hơn. Hiện nay, công việc chính của em là tham gia điều hành một startup công nghệ chuyên về các dự án chuyển đổi số cho doanh nghiệp và đơn vị Nhà nước, ngoài ra em cũng góp mặt trong một số dự án kinh doanh ngoài và các sự kiện hợp tác quốc tế khác trong nhiều lĩnh vực. Cho đến giờ em đảm nhiệm khá nhiều công việc và vai trò khác nhau: Tư vấn giáo dục, trợ lý điều hành, MC, biên phiên dịch, điều phối viên, giáo viên partime,giáo viên online miễn phí, v.v..Mỗi một trải nghiệm đem lại màu sắc mới cho cuộc sống của em, dù có thể đó là công việc không có thù lao hay danh tiếng gì cả.
Để kể về những dự án em đã và đang thực hiện, có thể đơn cử một số cái tên như:
-
MC - điều phối viên sự kiện cho Ngày hội giáo dục Đại học quốc tế tại Việt Nam IHED 2017;
-
Mentor training tiếng Anh và tiếng Nhật cho ứng viên xin học bổng Chính phủ và học bổng tại cơ sở đào tạo nước ngoài của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT giai đoạn 2016 - 2019;
-
Tác giả có tác phẩm tiếng Tây Ban Nha được đăng trong tuyển tập của Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam trong năm 2020 và 2021;
-
Đại diện Công ty trình bày mô hình giải pháp “Mã QR ứng dụng Blockchain hỗ trợ xác thực định danh tại triển lãm Công nghệ Đài Loan 2021 (Video thuyết minh về sản phẩm Công nghệ tại Triển lãm);
-
Tham gia phỏng vấn bằng tiếng Anh một số chính trị gia, doanh nhân, nhà văn nổi tiếng qua hình thức online tại các buổi giao lưu trực tuyến của trường Đại học mà em theo học Thạc sĩ;
-
Biên dịch kịch bản sự kiện, phiên dịch và điều phối viên Ngày hội Thanh niên Đông Nam Á chào mừng SEA GAMES 31 tại Việt Nam 2022 (Tham khảo bài viết trên báo Lao Động Thủ Đô về Yến và các bạn trẻ khác tham gia đóng góp cho SEA GAMES 31 ở link này);
-
Đại biểu đại diện Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc UNDP Việt Nam tại Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc tổ chức tại Jakarta, Indonesia (tháng 6/2022) và Manila, Phillipines (tháng 11/2022) (Video phỏng vấn tại Jakarta);
-
Giáo viên tiếng Nhật partime (2015 - 2019), giáo viên tiếng Anh miễn phí (2021 đến nay) và giáo viên tiếng Ý (bắt đầu vào năm 2022);
-
Biên dịch tài liệu, phiên dịch song ngữ cho sự kiện (2015 đến nay);
-
Tham gia công việc thiện nguyện: Gom quần áo, sách vở, đồ dùng gửi biếu bà con ở khu vực khó khăn như Tuyên Quang, Sơn La. Trong năm 2021, khi Hà Nội thực hiện phong tỏa diện rộng để truy vết các trường hợp nhiễm Covid-19, em và một số chị em trong chung cư đã lập nhóm cứu trợ lao động mất việc bằng cách chuẩn bị các túi lương thực để tặng các bà con quanh khu vực quận Hoàng Mai;
-
Founder của kênh Podcast đa ngôn ngữ Ien Dao;
-
Biên dịch freelancer tại nền tảng du lịch KKday (Đài Loan) và một số dự án độc lập
Để làm được nhiều đến vậy, chắc hẳn Yến phải có bí quyết quản lý thời gian hiệu quả?
Nguyên tắc quản lý thời gian của em khá đơn giản, em luôn xác định một ngày có 24 tiếng thì 8 tiếng để ngủ, 16 tiếng còn lại không được để phí hoài dù một phút. Vì thời gian trôi đi rất nhanh, nên em luôn đặt mình vào tư thế tận dụng thời gian sau cho mình nhận được hiệu quả cao nhất. Cụ thể là:
- Ưu tiên làm những việc có thể thực hiện được ngay trong khả năng của mình. Ví dụ như nhận được mail của đối tác hỏi về một sự vụ nào đó, nếu bản thân em biết đủ thông tin và được quyền trả lời thì em sẽ phản hồi chi tiết luôn và ngay. Nhờ thế việc đến tay em thường khá trôi, và mọi người khá tin tưởng vào sự nhanh nhẹn của em.
-
Đan xen làm những việc có thể làm cùng nhau trong một khoảng thời gian. Đơn cử như đối với việc nhà, nhà em không có người giúp việc hay ông bà nào trợ giúp mà vợ chồng em chia nhau làm, trong đó em là người làm nhiều hơn. Cùng trong 30 phút sau khi đón con về, em làm hai việc đồng thời là vừa nấu cơm; vừa quét nhà, lau nhà, thu quần áo, tưới cây, đổ rác. Con thấy mẹ làm cũng lon ton ra phụ, vậy là con học được bài học làm việc nhà từ khi còn nhỏ luôn.
-
Trám vào khoảng “thời gian chết” bằng những việc làm “nhỏ nhưng có võ”: Khoảng thời gian chờ khách hàng, đi bus, đợi thang máy, chờ thanh toán ở siêu thị, cho con chơi trong khu vui chơi…là những khoảng thời gian có khi chỉ kéo dài 5-10p hay dài hơn là 30p, nhưng lại là “thời gian chết” nếu ta không làm gì hoặc chỉ lướt điện thoại một cách không chủ đích. Em luôn sẵn sàng cho tình huống đó bằng cách chuẩn bị sẵn một cuốn sách trong cặp để bỏ ra đọc tiếp, vào trả lời email và tin nhắn của mọi người đồng loạt, mở trợ lý ảo Siri trên điện thoại để luyện tập nói chuyện với nó bằng ngoại ngữ, hay cắm tai nghe podcast bằng nhiều ngoại ngữ. Thậm chí gần đây em còn luyện tập thói quen khi có “thời gian chết” là sẽ đứng mô tả quanh mình có cái gì bằng 7 thứ tiếng, và em thấy nó khá hiệu quả.
-
Lược bỏ thời gian lãng phí vào những việc gây ra sự tiêu cực: Lướt mạng xã hội không xấu, nhưng dễ khiến ta bị “nghiện”, do đó em giới hạn bản thân là một ngày sẽ online mạng xã hội khoảng 10-15p thôi. Facebook, LinkedIn và Youtube là nền tảng duy nhất em dùng, và hạn chế tối đa thời gian, có ngày em còn không online.
Để mọi người hiểu rõ hơn, em có thể kể lại một ngày của em được không?
Để mô tả lại một ngày của em có lẽ phải chia ra làm ngày đi làm và ngày nghỉ thì sẽ hợp lý hơn vì thời gian biểu của nó sẽ khác nhau nhiều. Tuy nhiên nguyên tắc của em khi đón chào ngày mới, đó là: Sống xanh, suy nghĩ tích cực, hạn chế dùng thiết bị công nghệ, duy trì những thói quen tốt, viết “Sổ tay biết ơn” (Gratitude Journal) và không để việc có thể làm được hôm nay sang hôm sau.
Một ngày đi làm của em như sau:
-
6h30: thức dậy, tranh thủ lúc con chưa dậy thì chuẩn bị đồ ăn mang đi làm, làm việc nhà trong khoảng 15p như một hình thức tập thể dục. Sau đó em sẽ cho bé dậy vệ sinh cá nhân và đưa xuống trường học cùng tòa chung cư rồi quay lại nhà .
-
8h00: đi làm cùng chồng (hai đứa chỉ đi chung thang máy xuống tầng 1 nhưng đi làm cùng nhau cũng là một cách giữ cho hai trái tim đồng điệu hihi). Em không biết đi xe máy, cũng không có ý định học đi vì biết mình tính tình hậu đậu, dễ gây tai nạn cho mọi người nên em chọn đi xe bus đi làm. Trong túi em lúc nào cũng có một cuốn sách, trong 20p trên xe em sẽ tranh thủ đọc thay vì lướt điện thoại.
-
8h30 đến 17h30 là thời gian làm việc của công ty em, song do em là quản lý nên linh động thời gian đến và về vì nhiều khi phải đi sự kiện, gặp đối tác hoặc các sự vụ khác, điều chúng em coi trọng nhất là hiệu quả công việc và sự tự giác của mỗi cá nhân. Tại văn phòng, em duy trì nhịp độ làm 50 phút, nghỉ 10 phút để lấy lại tinh thần (pha trà uống, đi lại sang phòng khác nói chuyện, giở sách ra làm bài tập, lên mạng tra từ mới,…). Em quan niệm là lao động và hưởng thụ cần có sự hài hòa thì cá nhân mới có động lực phấn đấu, nếu chỉ chăm chăm lao vào làm thì thần kinh dễ bị stress lắm. Em sẽ tranh thủ đi chợ ở gần chỗ làm, và luôn mang túi vải, hộp thủy tinh đi mua đồ để không mang túi nilon về.
-
17h00: em tan làm, sau đó trở về nhà cất đồ, đón em bé từ nhà trẻ về, rồi sẽ có 1 tiếng để nấu cơm, tắm rửa, dọn nhà và cho bé ăn cơm. Chồng em hay đi làm về muộn, nên em đều chờ chồng về ăn cơm để hai vợ chồng tâm sự, từ đó tăng sự gắn kết trong gia đình. Sau khi ăn xong thì hai vợ chồng phân chia công việc: Em nấu thì chồng rửa bát, em giặt quần áo thì chồng phơi,…
-
Khoảng 20h00 thì việc nhà xong, em chế biến sơ đồ ăn cho ngày hôm sau rồi sẽ ngồi chơi với con hoặc đưa con đi dạo 1 tiếng rồi về.
Một tuần em có 1 buổi dạy tiếng Anh trẻ em, 2 buổi tiếng Ý online và 1 buổi luyện nói tiếng Tây Ban Nha thì 21h00 em sẽ lên lớp, vừa trông con vừa dạy đến 22h30 thì đi ngủ. Nếu hôm nào không có lớp, em sẽ mở sách vở ra học đến 22h00 hoặc đan xen đọc sách theo kiểu mẹ đọc của mẹ, con đọc của con rồi bé sẽ lăn ra ngủ luôn. Có hôm phá lệ thì cả nhà đưa nhau đi chơi để hâm nóng tình cảm, tuần sẽ có 1 buổi như thế.
Thời gian em theo học Thạc sỹ online, em tranh thủ cứ hết mỗi một đầu việc ở văn phòng là mở bài luận ra viết, trả lời mail của giáo sư hay chấm chéo bài của các bạn. Cuối tuần em tranh thủ dành ra 1-2 tiếng để hoàn thành các bài tập dang dở, có hôm nhiều việc quá thì mang lap ra ngồi viết lách đến 11-12h đêm trong sự ngóng trông vợ leo lên giường đi ngủ của chồng.
Còn đối với ngày nghỉ, lịch sẽ khác ở việc em không lên văn phòng thì sẽ ở nhà chơi với con nhiều hơn, dành nhiều thời gian học ngoại ngữ hơn và có thể đưa con đi chơi xa cho bé khám phá những địa điểm mới.
Tuy nhiên những thói quen cố định mà ngày nào em cũng thực hiện thì không thay đổi, chỉ là thời gian thực hiện ít hay nhiều, đó là:
-
Mỗi ngày đều làm ít nhất một việc tốt cho người khác, dù bằng cách này hay cách kia;
-
Mỗi ngày đều nói “Cảm ơn” với mọi người;
-
Mỗi ngày dành ít nhất 30p học một ngoại ngữ, 30p đọc sách, 30p chơi với con;
-
Nếu là ngày đi làm thì sáng nào cũng chuẩn bị đồ ăn trưa mang đi (trừ khi tiếp khách có lịch trước);
-
Mỗi ngày đều nói với con “Mẹ yêu con” và với chồng “Em yêu anh”;
-
Mỗi ngày đều viết ít nhất 3 điều làm mình hạnh phúc vào “Sổ tay biết ơn”;
-
Tuần tập zumba dance tại nhà 2 buổi, mỗi buổi 30 phút.
Em có lời khuyên gì cho những bà mẹ bỉm sữa, cũng như tất cả phụ nữ, những người có hoài bão, ý tưởng nhưng chưa đủ can đảm để thực hiện ý tưởng của mình?
Em luôn tin là mỗi người trong chúng ta, bất kể là phụ nữ hay đàn ông thì đều có những năng lực riêng của mình, chỉ là ta có phát huy được nó hay không. Là một người vợ, người mẹ, em nghĩ xã hội không nên phán xét người phụ nữ dù họ đang làm gì và không thể làm gì, vì ai cũng sẽ có những khổ tâm riêng. Bạn bè và người thân của em sau khi kết hôn và có con thì lựa chọn ngừng học tập, chỉ chuyên tâm đi làm kiếm tiền và chăm sóc con cái. Em biết các bạn còn nhiều điều muốn thực hiện, nhưng luôn tự tạo ra rào cản tâm lý cho mình rằng vì bận chăm chồng, chăm con, bận mưu sinh nên chẳng còn thời gian làm được những điều đó.
Lời khuyên của em là “Chỉ có không làm thì sẽ không sai, có làm có sai, nhưng đáng”. Em vẫn luôn tin rằng bất kỳ người mẹ nào cũng có thể làm những điều cô ấy muốn, nếu cô ấy có niềm tin và sự đam mê đủ lớn. Cá nhân em may mắn có chồng là người rất ủng hộ vợ trong việc đưa ra quyết định, gia đình nội ngoại cũng tạo điều kiện hỗ trợ em chăm sóc bé nếu em đi công tác hay tham gia sự kiện, và em cũng tìm được cô giáo có tâm sẵn sàng giúp trông con khi em bất chợt phải rời con đột xuất.
Trước tiên, đối với thiên chức làm mẹ, em muốn nhắn nhủ là các mẹ hãy đề ra nguyên tắc nuôi dạy con của mình dựa trên giá trị đạo đức, và kiên định với nguyên tắc đó, bất kể ai có ý kiến gì. Nguyên tắc nuôi con của em là:
-
Con cái là bản sao của cha mẹ, hãy nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình;
-
Muốn các con hạnh phúc, bố mẹ hãy sống hết mình vì cuộc đời của chính mình;
-
Hãy luôn yêu việc học, yêu lao động, và yêu thương mọi người.
Còn đối với việc phát triển bản thân cho người mẹ sau khi quay trở lại hoạt động xã hội, em muốn khuyên mọi người là các mẹ hãy trải nghiệm, kể cho các con nghe về những kế hoạch của mình và cùng con trải nghiệm những mục tiêu đó. Em và chồng quan niệm việc giáo dục con cái cần xuất phát từ gia đình chứ không thể ỷ lại vào trường học và xã hội, và con cần là người có nhân cách tốt - thái độ đúng đắn trước khi là người học giỏi và kiếm được nhiều tiền. Em luôn cố gắng làm gương tốt cho con để từ khi con còn nhỏ, con đã có tình yêu với kiến thức, với công việc và học cách đối nhân xử thế bằng cách duy trì việc học cho chính mình, đọc sách, làm việc nhà, làm việc công ty, làm việc xã hội bằng bầu nhiệt huyết. Như thế thì em đang sống cuộc sống đem lại hạnh phúc cho chính em, và dạy các con em có ý thức phấn đấu từ khi còn nhỏ. Chúng ta không thể bắt các con học bài khi chúng ta ngồi lướt điện thoại, hay không thể đòi hỏi con thích đọc sách khi bố mẹ chúng chẳng bao giờ sờ vào sách cả, càng không thể nuôi con thành một người tử tế nếu chúng ta nói xấu người khác trước mặt con, văng tục chửi bậy hay vất rác ra đường khi đi với con.
Nếu các mẹ đang phải “vật lộn” với việc chăm bé, các mẹ có thể tham khảo một vài gợi ý này xem:
-
Đặt mục tiêu mỗi tháng học một kỹ năng mới: Làm đồ thủ công, trồng một vườn hoa, làm video kỷ niệm sinh nhật con, làm gốm, nấu các món ăn lạ,…đều là những điều tuyệt vời các mẹ có thể làm. Các mẹ nên có 1 quyển sổ ghi mục tiêu cho mỗi tháng và kiên trì thực hiện mục tiêu đó, ban đầu có thể không giỏi, nhưng rồi dần các mẹ sẽ tiến bộ nên hãy yên tâm thử nhé.
-
Hãy trải nghiệm làm một việc mình chưa thử bao giờ: Nhảy dù, trượt patin, nhảy zumba, cover K-pop, tập yoga bay, tổ chức sự kiện, nấu cơm cho bệnh nhân ung thư,…bạn bè em đã thử, và họ đều thấy mãn nguyện và có động lực khi làm những việc đó. Khi các mẹ cảm nhận được sự tươi mới trong tâm hồn mình, các mẹ sẽ thấy yêu đời và điều đó truyền lại năng lượng tích cực cho các con.
-
Hãy đọc sách 30p mỗi ngày: Đọc sách là cách vừa giải trí, vừa trau dồi kiến thức, vừa tu tâm dưỡng tính rẻ mà hiệu quả nhất. Chỉ cần 30p mỗi ngày đọc sách thôi là các mẹ sẽ thấy mình có sự thay đổi tích cực như thế nào. Hãy chọn đọc thể loại sách các mẹ thích, đừng câu nệ nó phải là sách khoa học hay best-seller nhé. Nhờ duy trì đều đặn thói quen hữu ích này mà trong năm 2021 em đã đọc được 52 cuốn sách bằng 3 ngôn ngữ, và con số này tăng lên thành 70 cuốn được viết bằng 5 ngôn ngữ trong năm 2022.
-
Đưa con tham gia các sự kiện vì cộng đồng: Quyên góp cho người nghèo, nấu cơm thiện nguyện, thăm làng trẻ em mồ côi,v.v..là những sự kiện mà mẹ hoàn toàn có thể đưa con theo cùng để mẹ và các con cùng làm, cũng là một cách để mẹ hoàn thiện bản thân mình và dạy con biết chia sẻ. Đừng sợ con sẽ phá đám nhé, ngược lại con còn cảm thấy vui khi có trải nghiệm mới, và học được bài học đạo đức về lòng thương người đó.
-
Tham gia ít nhất một cộng đồng chuyên môn: Các mẹ hãy mạnh dạn đăng ký để sinh hoạt trong các tổ chức có chuyên môn của các mẹ, như là giáo viên, tư vấn, kế toán, ngân hàng, thiết kế, hợp tác quốc tế,…Thông tin luôn có sẵn trên các trang fanpage của các tổ chức này, và họ tuyển thành viên khá thường xuyên. Khi các mẹ được gặp và giao lưu với những con người khác nhau chia sẻ chung hoài bão với mình, tự khắc các mẹ sẽ tìm thấy mình ở phiên bản tốt hơn.
Trong tương lai gần, em có kế hoạch gì cho bản thân?
Năm 2023 sẽ đánh dấu mốc trưởng thành mới của em khi chính thức bước sang tuổi 30, và em cũng ấp ủ nhiều dự định để thực hiện trong năm nay. Những điều này được em ghi lại trong New Year’s Resolutions - Cam kết Năm mới của mình như một động lực để phấn đấu mỗi ngày. Trước tiên em sẽ có chuyến du lịch 7 ngày tại Nhật Bản do Công ty lữ hành Transviet tài trợ vì đã dành được giải nhất cuộc thi viết về “Ký ức du lịch” năm 2022, và có thể là một chuyến đi Châu Âu vào cuối năm nay để phục vụ công việc. (Tham khảo bài viết tham dự cuộc thi viết về “Ký ức du lịch” của Yến ở link này)
Về kỹ năng chuyên môn, em tiếp tục theo học để lấy chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh TESOL (sau khi đã hoàn thành chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh cho người học nhỏ tuổi TEYL) của một học viện tại Anh Quốc theo hình thức online. (Bài phỏng vấn của World TESOL Academy về quá trình học và thi đỗ chứng chỉ TEYL). Song song với đó, em sẽ vẫn tiếp tục trau dồi 6 ngoại ngữ đang học và dự định nghiên cứu thêm Quốc tế ngữ - Esperanto. Em đang có ý định biên soạn từ điển nông nghiệp và thương mại bằng các ngoại ngữ mình học, bắt đầu từ tiếng Nhật trở đi, nhằm phục vụ cho công việc của bản thân cũng như thỏa mãn mong muốn đưa nông sản Việt đi ra thế giới mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài ra, em vẫn tiếp tục duy trì lối sống tích cực và cống hiến bằng việc giúp đỡ những đồng bào khó khăn, bảo trợ một số lớp học tại các trường THPT để giúp các em có thêm cơ hội phát triển, làm thêm nhiều Podcast về giá trị sống, chuyển dần sang chế độ ăn chay và học cách chữa lành cho bản thân và mọi người. Bật mí thêm với chị là em cũng đang viết một cuốn sách về chủ đề tự học và học tập trọn đời, nhưng sẽ chia sẻ với chị và các bạn sau khi “đứa con tinh thần” đã ra đời nhé ạ.
Rất cảm ơn Yến vì đã chia sẻ những bí quyết rất hữu ích cũng như truyền cảm hứng sống tích cực đến với bạn đọc. Chúc em và gia đình nhiều sức khỏe để chinh phục những thử thách mới, hoàn thành những mục tiêu mới.
Yến là một trong những người có ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch học tập và kỷ luật bản thân của mình. Chưa bao giờ mình thôi cảm thán và ngưỡng mộ mỗi khi nhận được tin vui mới từ em. Những thành tích ở trên đã rất đáng ngưỡng mộ rồi, nhưng mà còn có một điều nữa mà mình thấy cần phải nhắc đến, đó là dù bận rộn với gia đình, công việc, học hành, Yến vẫn luôn giữ liên lạc với những người bạn, kể cả bạn phương xa đã không gặp mấy năm nay như mình. Đây thực sự là điều đáng trân trọng và cần lan tỏa, nhất là trong cuộc sống bận rộn hiện nay.
Hy vọng cuộc nói chuyện với bạn Yến sẽ giúp các mẹ tìm được nguồn năng lượng tích cực để trau dồi, hoàn thiện bản thân, thêm yêu thương và trân trọng cuộc sống.