Việc học nhiều ngoại ngữ dường như đang trở thành trào lưu trong giới trẻ, mình thấy những video về cách học và duy trì nhiều ngoại ngữ trên youtube có khá là nhiều lượt view và comment. Điều này cho thấy sự quan tâm của các bạn trẻ đối với việc học ngoại ngữ, đặc biệt là rất nhiều bạn mong muốn thành thạo nhiều ngoại ngữ, có thể là vì yêu thích ngôn ngữ, văn hóa đất nước đó, cũng có thể là do yêu cầu của trường học, công việc mà muốn trau dồi thêm… Mình khá yêu thích việc học ngoại ngữ, và cũng đang trên đường chinh phục ngoại ngữ thứ năm là tiếng Pháp. Trong quá trình học, mình nhận ra được một vài điểm mà mình nghĩ là cực kỳ quan trọng để việc học nhiều ngoại ngữ đạt hiệu quả hơn, nên mình sẽ chia sẻ với các bạn ở bài viết này nhé.
-
Không bắt đầu học nhiều ngoại ngữ cùng một lúc
Giai đoạn bắt đầu học của từng ngoại ngữ là cực kỳ quan trọng, bạn phải nhớ cách viết, cách đọc, các từ mới, các mẫu ngữ pháp…của một ngôn ngữ mà bạn chưa biết một chút nào cả, điều này cực kỳ tốn thời gian và công sức. Thậm chí, với nhiều bạn, giai đoạn bắt đầu cũng là giai đoạn quyết định liệu bạn có tiếp tục học ngôn ngữ này hay không, bằng chứng là xung quanh mình có rất nhiều bạn bỏ dở việc học khi mới bắt đầu chưa được bao lâu. Nếu bạn bắt đầu học đồng thời 2 ngôn ngữ cùng một lúc, bạn sẽ mất nhiều thời gian để học kiến thức cơ bản của từng ngôn ngữ, điều này dễ khiến bạn cảm thấy việc học của mình không hiệu quả; còn nếu bạn cố gắng hết sức để học thật nhanh thì lại dễ bị quá sức, hoặc là không nắm chắc kiến thức cơ bản mà đã học lên cao hơn… Tất cả những điều này đều sẽ khiến bạn giảm dần sự hào hứng khi học ngoại ngữ.
Để việc học được thuận lợi, bạn nên lựa chọn học thêm một ngoại ngữ mới sau khi đã nắm được kiến thức nhất định về ngoại ngữ đang học. Ví dụ, mình bắt đầu học tiếng Trung sau khi đã học tiếng Nhật được khoảng 1 năm ở Đại học. Lúc này, mình đã vượt qua thời kỳ vất vả để luyện viết chữ hiragana, katakana, kanji và nắm chắc ngữ pháp cũng như từ mới cơ bản, cũng có thể giao tiếp ở mức cơ bản, đọc hiểu đoạn văn ngắn tiếng Nhật… nhờ vậy mà mình có thời gian và đủ tự tin hơn để chinh phục thêm tiếng Trung, bên cạnh việc tiếp tục học lên trung cấp tiếng Nhật.
-
Luôn ưu tiên ngoại ngữ đã học từ trước
Việc ưu tiên ngoại ngữ đã học trước sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu thành thạo nhiều ngoại ngữ của bạn. Nếu học theo kiểu hết trung cấp tiếng Nhật, bạn chuyển sang học tiếng Trung mà không dành nhiều thời gian học tiếng Nhật nữa, thì trình độ tiếng Nhật của bạn sẽ mãi dừng ở mức trung cấp, và cũng giống với lý do ở mục 1, học lâu mà không tiến bộ thì ai cũng sẽ dễ chán, dần dần bạn sẽ mất hứng thú với việc học tiếng Nhật, bỏ học tiếng Nhật mà học sang tiếng Trung. Xung quanh mình cũng có rất nhiều bạn cũng thử sức với nhiều ngoại ngữ: học chuyên ngành tiếng Nhật, nhưng học thêm tiếng Trung, tiếng Anh…và sau đó thường bỏ dở tiếng Nhật, vài năm sau nhìn tiếng Nhật lại cảm thán: biết thế ngày xưa mình cố gắng hơn chút nữa, có phải giờ cũng đọc hiểu được mấy chữ này không.
Trừ khi các bạn có mục đích rõ ràng, ví dụ muốn thi lấy bằng HSK5 để đủ tiêu chuẩn đi du học, muốn thi bằng TOPIK để tháng 7 này ra trường xin việc… thì tất nhiên các bạn có thể ưu tiên những ngôn ngữ đó trong một thời gian nhất định; hoặc nếu ngôn ngữ học trước đó đã đạt đến trình độ thành thạo cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết, thì bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho ngôn ngữ khác.
-
Ưu tiên kỹ năng nghe và nói
Nghe và nói là kỹ năng rất quan trọng trong mọi ngôn ngữ. Một đoạn hội thoại sẽ không thể thành công nếu hai bên không nghe hiểu hoặc nghe hiểu mà không truyền tải được ý của mình. Có nhiều bạn tự ti vì học tiếng Anh cả chục năm mà không giao tiếp được, có nhiều bạn lại vui mừng vì chỉ học tiếng Hàn một vài tháng đã có thể nói được kha khá, tuy mới chỉ dừng lại ở mức hội thoại cơ bản, nhưng học đến đâu áp dụng để giao tiếp được đến đấy, điều này đủ để bạn có thêm động lực và tự tin để tiếp tục con đường chinh phục tiếng Hàn.
Đồng thời, nghe và nói theo shadowing cũng là phương pháp hiệu quả trong việc học ngoại ngữ. Lần đầu mình biết đến shadowing là khi học tiếng Nhật, có một giáo trình tên là Shadowing: Let’s speak Japanese, đúng lúc đó mình lại mới học tiếng Trung, nên mình đã áp dụng phương pháp shadowing này cho tiếng Trung. Mình vẫn nhớ năm đầu tiên học tiếng Trung, đúng dịp gần Tết phải dọn nhà cửa, mình đã bật đĩa CD các bài khóa tiếng Trung, vừa lau dọn nhà, vừa nghe và bắt chước giọng điệu của người nói luôn. Có lẽ nhờ vậy mà ngoại trừ tiếng Nhật, tiếng Trung là ngoại ngữ mà mình tự tin khi giao tiếp nhất. Hiện tại, với tất cả các ngôn ngữ đang học, mình cũng áp dụng phương pháp này để tiếp cận, quả thực là so với chỉ học từ mới và ngữ pháp chay, học bằng cách này sẽ giúp bạn phản xạ nhanh hơn, khả năng giao tiếp cũng tốt hơn. Hiện tại, hầu như giáo trình nào cũng có kèm theo CD, thực sự rất tiện lợi cho việc nâng cao khả năng nghe nói.
-
Lựa chọn ngoại ngữ để học theo ý thích
Thực ra, có rất nhiều ý kiến xoay quanh cách lựa chọn ngoại ngữ phù hợp để học. Có người thì cho rằng nên lựa chọn ngôn ngữ có điểm tương đồng với ngôn ngữ đang học, có người lại nói nên lựa chọn ngôn ngữ không có điểm tương đồng để dễ phân biệt, đỡ bị nhầm lẫn trong quá trình học. Còn bản thân mình thì nhận thấy, nên lựa chọn theo ý thích của bạn. Nếu bạn yêu thích ngôn ngữ, văn hóa của đất nước đó, chắc chắn đây sẽ là nguồn động lực để bạn học tập chăm chỉ và hiệu quả hơn.
Trong trường hợp của mình, ngoại trừ tiếng Anh, các ngôn ngữ mình đang học đều là ngôn ngữ mà mình khá yêu thích, và vì yêu thích mà mình chọn học, gắn bó đến bây giờ. Mình nói ngoại trừ tiếng Anh vì hồi bắt đầu học tiếng Anh mình không có ý thức gì về việc yêu thích hay không, tiếng Anh là một môn học bắt buộc ở trường, và sau đó dùng để thi cử. Cũng vì học hành nhiều chỉ để thi Đại học, mà sau đó mình sợ và chán tiếng Anh đến mức chuyển luôn sang học tiếng Nhật. Tuy nhiên, do công việc mà mình cũng bắt đầu học lại tiếng Anh, nhờ kiên trì mà tiếng Anh đã không còn là nỗi sợ hãi của mình nữa, mà ngược lại, mình rất thích nghe và đọc các chương trình về khoa học và lịch sử bằng tiếng Anh, cũng rất vui khi có cơ hội được dùng tiếng Anh trong công việc. Các bạn có thể đọc về hành trình học lại tiếng Anh của mình ở bài viết 30 ngày học tiếng Anh.
-
Đưa ngoại ngữ thành một phần trong cuộc sống thường nhật
Với sự phát triển của mạng internet như hiện nay, bạn có thể tận dụng rất nhiều nguồn miễn phí để nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình, ví dụ: nghe tin tức, xem phim, xem các chương trình giải trí, các kênh youtube nội dung thú vị mà không cần sub, đọc sách từ ngôn ngữ gốc…Tuy nhiên, các bạn lưu ý lựa chọn các video hay các sách, truyện phù hợp với trình độ của bạn, nếu lựa chọn những nội dung quá khó, quá hàn lâm, có thể sẽ khiến bạn nản chí.
Các bạn còn có thể đọc tin tức và tham gia bình luận trên mạng xã hội bằng cách sử dụng ngoại ngữ, như mình thì mình hay sử dụng Facebook hoặc Twitter để bình luận trên một số trang về giáo dục trẻ em của Mỹ, hay đăng ký Weibo để đọc bình luận và tham gia bình luận bằng tiếng Trung, lên Naver đọc và bình luận bằng tiếng Hàn… Việc đọc bình luận của người bản xứ thật sự rất có ích trong việc hiểu hơn về suy nghĩ cũng như cách dùng từ trên thực tế của người bản xứ, đồng thời lại thực hành được kỹ năng viết của mình. Nếu bạn nào có sở thích viết lách, các bạn có thể tự viết một đoạn văn ngắn bằng ngoại ngữ, không cần quá chỉn chu, mà chỉ viết những suy nghĩ trong đầu của bạn ra, đây cũng là một cách học viết mà mình thấy khá có hiệu quả.
Về việc luyện nói, mình chủ yếu hay nói một mình vì không có người luyện cùng. Thực chất là mình thường học thuộc các câu thoại trong phim hoặc câu nói có sử dụng mẫu ngữ pháp hay mà mình nghe được trên các chương trình tivi… và sau đó tự đặt bối cảnh và tự đối đáp một mình, nếu có điều kiện thì mình nói to (speak out loud), còn nếu không thì mình lẩm nhẩm trong miệng, chỉ cần làm vậy vài lần, nếu gặp những tình huống tương tự trong thực tế, mình có thể tự bật ra những câu đối đáp như mình đã học.
-
Hãy rộng lượng với bản thân
Bạn đang học nhiều hơn 1 ngoại ngữ, tất nhiên, thời gian bạn dành cho 2 ngoại ngữ đó sẽ ít hơn, và tiến độ học cũng sẽ chậm hơn khi bạn chỉ học 1 ngoại ngữ. Hãy chấp nhận điều đó, và kiên trì cho mục tiêu lớn hơn, ví dụ mục tiêu thành thạo 2,3 hoặc 4 ngoại ngữ trong tương lai gần chẳng hạn.
Bạn cũng không nên đặt ra mục tiêu quá sức. Mỗi ngày nghe một chút, nói theo một chút, như mình đặt mục tiêu không học dưới 15 phút mỗi ngoại ngữ mỗi ngày, và chỉ chút thời gian đó cũng rất có hiệu quả nếu bạn thực sự tập trung. Bạn có thể lên kế hoạch cụ thể cho quá trình học, nhưng cũng không nên quá cứng nhắc, vì chắc chắn sẽ có ngày bạn không đạt được mục tiêu như mong muốn; đồng thời, hãy cố gắng dành thời gian để xả stress, tự khích lệ tinh thần và củng cố lại động lực cho mình.
Học ngoại ngữ là cả một quá trình dài, nếu các bạn không tự đặt ra nguyên tắc và tìm ra phương pháp học hiệu quả thì sẽ rất có thể quá trình đó sẽ kéo dài hơn nữa. Hi vọng rằng bài viết này của mình sẽ giúp các bạn đang có nhu cầu học thêm ngoại ngữ tìm được cách bắt đầu phù hợp. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.