Nhân dịp tìm hiểu về trường tiểu học cho bạn Kem, mình đã tổng kết được một số điều cơ bản về các loại trường tiểu học ở Nhật. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho bố mẹ có con trong độ tuổi chuẩn bị vào cấp 1.
Trường tiểu học ở Nhật có thể chia thành 3 loại lớn: Trường Quốc lập, trường Công lập (do quận, thành phố điều hành), trường Tư lập. Theo báo cáo của Bộ Giáo Dục về tình hình giáo dục năm 2020, trên toàn nước Nhật có 19526 trường tiểu học, trong đó, số trường Quốc lập là 68 trường, trường Công lập là 19218 trường, trường Tư lập là 240 trường. Vậy các trường này có ưu và nhược điểm gì?
TRƯỜNG QUỐC LẬP
Đúng như tên gọi, trường Quốc lập do nhà nước điều hành. Số lượng trường Quốc lập không nhiều, toàn quốc có 68 trường, riêng Tokyo và 3 tỉnh Chiba, Saitama, Kanagawa có khoảng 10 trường. Trường Quốc lập là các trường tiên phong áp dụng những phương pháp giáo dục và quản lý mới nhất, vì thế mà từ chất lượng giáo viên, chất lượng giờ học, môi trường học tập…đều tốt hơn so với các trường khác. Tất nhiên, học sinh cũng phải thông qua kỳ thi tuyển chọn thì mới được vào học ở những ngôi trường danh giá thế này.
-
Ưu điểm
-
Miễn học phí
-
Giáo viên có chuyên môn cao, có giáo viên phụ trách riêng từng môn Đội ngũ giáo viên của trường Quốc lập đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, có trình độ chuyên môn cao. Chưa kể, ở các trường Công lập bình thường, thầy cô chủ nhiệm thường sẽ phụ trách tất cả các môn học, thì ở trường Quốc lập, mỗi môn học sẽ có thầy cô phụ trách riêng để đảm bảo chất lượng môn học.
-
Các giờ học hấp dẫn Các giờ học của trường Quốc lập được thiết kế bởi đội ngũ thầy cô giáo có chuyên môn, vậy nên đảm bảo tính trí tuệ và hấp dẫn. Đây cũng là một trong những lý do mà nhiều phụ huynh mong muốn con được vào học ở trường Quốc lập.
-
Có cơ hội được tham gia những giờ học theo phương pháp mới Trường Quốc lập cũng là nơi thử nghiệm các phương pháp học tập, giáo dục theo kết quả nghiên cứu mới nhất, nên học sinh ở trường sẽ có cơ hội được tham gia những giờ học theo phương pháp giảng dạy mới nhất.
-
Trình độ học sinh cao hơn so với các trường công khác Để vào được trường, học sinh phải tham gia kỳ thi tuyển chọn, vậy nên trình độ của học sinh trường Quốc lập chắc chắn sẽ khá đồng đều, và ở mức cao.
-
Nếu trường có trường cấp 2, cấp 3 cùng hệ thống thì sẽ được ưu tiên khi thi chuyển cấp Đa phần các trường Quốc lập sẽ có trường cấp 2 cùng hệ thống, trường cấp 3 thì ít hơn. Khi thi chuyển cấp, các bé sẽ được ưu tiên hơn các bạn học trường khác.
-
-
Nhược điểm
-
Cạnh tranh quyết liệt trong kỳ thi đầu vào Đa phần bố mẹ muốn cho con được vào học ở trường Quốc lập thì sẽ phải đầu tư thời gian và tiền bạc từ rất sớm. Có những bé 3 tuổi đã bắt đầu đi học juku (giống các lớp luyện thi ở Việt Nam), bố mẹ phải dành thời gian đưa đón, cùng con học hành, luyện tập phỏng vấn. Chưa kể hầu hết các trường Quốc lập đều có số lượng học sinh đăng ký thi đông, nên phải có vòng rút thăm ngẫu nhiên, nếu trúng thì được thi, nếu không trúng thì còn không được tham gia kỳ thi. Để hiểu hơn về tính khốc liệt của kỳ thi, các bạn có thể tham khảo bảng tổng hợp dữ liệu về kỳ thi đầu vào của một số trường Quốc lập ở Tokyo năm 2018.
Tên trường Chỉ tiêu tuyển sinh Số học sinh dự thi Tỷ lệ chọi 東京学芸大学附属大泉小学校 90 1223 13.6 お茶の水女子大学附属小学校 53 2667 50.3 筑波大学附属小学校 128 3770 29.5 東京学芸大学附属小金井小学校 105 1071 10.2 -
Trường xa nhà
Trường Quốc lập có số lượng ít, nên nhiều học sinh sẽ phải đi học xa, có khi đi tàu 30-45 phút mới đến. Trong khi nếu học ở các trường Công lập bình thường, trẻ có thể đi bộ đi học. Cũng vì trường ở xa nhà, nên các bạn đi học ở trường Quốc lập ít có cơ hội kết bạn với các bạn trong cùng khu vực. -
Môi trường học tập áp lực
Môi trường học của trường Quốc lập rất tốt, đồng nghĩa với việc bố mẹ và con cái không được lơ là việc học, dẫn đến nhiều gia đình có thể gặp áp lực trong quá trình cho con học ở trường Quốc lập. -
Phụ huynh phải tham gia nhiều hoạt động
So với các trường Công lập bình thường, bố mẹ cần tham gia nhiều hoạt động ở trường hơn, đây cũng là một điểm áp lực với những gia đình bận rộn.
-
TRƯỜNG CÔNG LẬP
Trường Công lập do quận, thành phố điều hành. Trẻ không cần thi, mà đến tuổi sẽ có giấy báo về việc nhập học. Trường học được quy định (tiếng Nhật gọi là 指定校) theo địa chỉ nhà ở, nên nếu bố mẹ muốn biết con sẽ học trường nào thì có thể gõ từ khoá tên Quận/Thành phố đang ở + 学区 là sẽ ra. Ví dụ, các bạn có thể vào link này để xem trường học được quy định theo địa chỉ của quận Shinjuku. Sau khi nhận được giấy báo, con sẽ phải đi khám sức khỏe theo hướng dẫn (thường là sẽ khoảng tháng 11 hàng năm), sau đó thì làm thủ tục để tháng 4 năm sau nhập học.
-
Ưu điểm
-
Miễn học phí
-
Trường tương đối gần nhà, không mất nhiều thời gian, tiền bạc cho việc đưa đón
-
Dễ kết bạn với các bạn ở gần nhà
-
Môi trường học tập không quá áp lực
-
-
Nhược điểm
-
Không có thi cử nên học lực của từng trẻ khá là chênh lệch
-
Nhìn chung thì đa phần các giờ học đều giống nhau, không có nội dung mới mẻ, sáng tạo như trường Quốc lập hay trường Tư lập
-
Đa phần thầy cô giáo đều là giáo viên địa phương, không phải được tuyển chọn kỹ lưỡng như trường Quốc lập
-
Nếu muốn thi được vào trường trung học chất lượng, con và bố mẹ đều sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Đa phần trường Quốc lập và Tư lập đều có trường cấp 2, cấp 3 cùng hệ thống, nên con sẽ dược ưu tiên hơn trong kỳ thi chuyển cấp, trong khi nếu học ở trường Công bình thường, con sẽ phải dành nhiều thời gian đi học thêm để thi vào trường tốt.
-
TRƯỜNG TƯ LẬP
Trường Tư lập do cá nhân thành lập và điều hành, mang nhiều nét độc đáo hơn so với trường Công lập. Trường Tư lập có kỳ thi tuyển đầu vào, nội dung, mức độ khó dễ tùy theo trường.
-
Ưu điểm
-
Cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các trường tư rất hiện đại, sạch sẽ
Năm còn đi học trao đổi ở Kansai, mình có cơ hội được đi giao lưu với các em trường Tiểu học Tư lập Kansai và bị choáng ngợp bởi cơ sở vật chất trong trường, cực đẹp, cực sạch, cực tiện lợi. Dù trường đại học của mình cũng rất mới, hiện đại, nhưng vẫn chưa thể so với trường tiểu học Kansai được. -
Có kỳ tuyển chọn giáo viên riêng
-
Sách giáo khoa do Hiệu trưởng chọn lựa phù hơp với tiêu chí giảng dạy của trường, nên nhìn chung thì nội dung giờ học có sáng tạo, có tính độc đáo riêng của từng trường.
-
Đa phần các trường đều có trường trung học, cấp 3 thuộc hệ thống, nên trẻ sẽ được ưu tiên trong kỳ thi chuyển cấp, thậm chí có những trường cho phép trẻ lên cấp mà không cần thi tuyển.
-
-
Nhược điểm
-
Chi phí đắt
Trung bình thì học phí cho trường tiểu học tư sẽ vào khoảng 60 đến 90 man/ năm, chưa tính tiền cơ sở vật chất, hoạt động hàng năm. Mình có tham khảo chi phí cho năm lớp 1 của trường tiểu học Keio, tổng chi phí hết 160 man, tương đương khoảng 350 triệu. -
Ít lựa chọn, nên học sinh thường phải đi học xa nhà
Cũng giống trường Quốc lập, trường Tư không có nhiều, nên bố mẹ muốn cho con học trường Tư thì hay phải đi xa nhà. Đồng thời nếu con đi học ở trường Tư lập không gần nhà thì sẽ ít có cơ hội kết bạn với các bạn trong cùng khu vực.
-
Ngoài 3 loại trường như trên thì còn có trường Quốc tế, nhưng số lượng cũng không quá nhiều, chưa kể nội dung học của trường Quốc tế khá là khác so với 3 loại trường trên, nên mình không tìm hiểu nhiều.
Còn dưới đây là ý kiến cá nhân của mình về từng trường:
-
Trường Quốc lập: Dành cho những gia đình chịu khó bỏ công sức, thời gian và cả tiền bạc để con đi luyện thi đầu vào. Vì để vào được trường thì đa phần sẽ phải đi luyện thi, thậm chí còn vất vả hơn cả thi Đại học vì tỷ lệ chọi khá cao. Chưa kể do số lượng dự thi nhiều, trường nào cũng có thêm phần bốc thăm, may mắn trúng thì được vào, mà không may thì dù có kết quả tốt cũng không được nhập học. Nhưng nếu được vào thì thực sự là có quá nhiều lợi ích, vậy nên có thể nói là khổ trước sướng sau.
-
Trường Công lập: Dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những gia đình không có yêu cầu quá cao về môi trường học cho con, hoặc là kinh tế vừa phải. Tuy nhiên, trong nhóm trường Công lập cũng có rất nhiều trường nổi tiếng, có thể kể đến nhóm 4 trường 3S1K của quận Bunkyo, đó là 誠之小学校(せいししょうがっこう), 昭和小学校 (しょうわしょうがっこう), 千駄木小学校 (せんだぎしょうがっこう), 窪町小学校 (くぼまちしょうがっこう), hoặc là trường 九段小学校 (くだんしょうがっこう) nằm ở quận Chiyoda… Những trường này đều có truyền thống thành tích thi cử tốt, nên bố mẹ nào muốn đầu tư học hành cho con đều muốn cho con vào những trường như vậy, cũng chính vì thế mà giá nhà xung quanh các trường này đều rất đắt, thậm chí là không có nhà bán.
-
Trường Tư lập: Dành cho gia đình có kinh tế và có sự đầu tư cho việc học của con. Trường Tư lập có rất nhiều trường có ranking cao, chương trình giáo dục chất lượng, tỷ lệ thi cử tốt. Theo nhiều nghiên cứu thì học sinh trường Tư cũng có sự sáng tạo và cá tính riêng mà ít thấy ở học sinh trường Công.
Với những gia đình “lỡ cỡ” như nhà mình thì khá là khó để chọn trường. Nhà mình không quá dư dả tiền, cũng không có nhiều thời gian để theo sát việc học của con, nhưng lại mong muốn con được học trường tốt
. Thế nên mình vẫn chưa thu hoạch được kết quả gì dù đã dành hơn 2 tháng để nghiên cứu trường học cho con.