Nuôi con vốn không phải là chuyện đơn giản, nuôi con ở nước ngoài lại càng có nhiều khó khăn. Mình cũng sinh con, nuôi con ở Nhật được khoảng hơn 4 năm rồi. Bây giờ nhìn lại chặng đường mình đã qua, và nghĩ tiếp về chặng đường sắp tới, mình không tìm được gì khác ngoài từ vất vả để hình dung.
Thiếu sự trợ giúp
Người Nhật không có thói quen nhờ ông bà chăm sóc cháu giúp, vậy nên chủ yếu là bố mẹ tự phân chia công việc nhà hoặc là mẹ nghỉ làm ở nhà chăm sóc gia đình toàn thời gian, tức là trách nhiệm nuôi con thuộc về mẹ nhiều hơn. Có lẽ vì thế mà tỷ lệ người mắc bệnh về tâm lý khá cao. Một cuộc điều tra năm 2017 trên internet chỉ ra rằng, có đến 91.7% bố hoặc mẹ cảm thấy stress vì chăm con. Thực chất, Nhật Bản nhận ra vấn đề này trong việc nuôi con từ rất sớm, và cũng đang nỗ lực để khắc phục, ví dụ như trong các buổi khám sức khỏe cho con, thường sẽ có những câu hỏi dành cho bố mẹ, như có cảm thấy stress khi chăm con không, có người để chia sẻ về việc chăm sóc con cái không, ở nhà ai là người dành nhiều thời gian chăm sóc con nhất… nhưng theo ý kiến cá nhân mình thì vẫn chưa có nhiều biện pháp hiệu quả.
Còn trong trường hợp người nước ngoài sống ở Nhật, hầu hết đều không có gia đình bên cạnh, kết hôn rồi thì chỗ dựa duy nhất là nửa kia của mình. Những khi con đau ốm không có người thân để trợ giúp, 2 vợ chồng chỉ có cách xin nghỉ làm và thay phiên nhau trông con, tuy nhiên, đa phần mẹ sẽ là người vất vả hơn. Con ốm là những ngày tháng mẹ quay như chong chóng, cho đi khám, uống thuốc, thức đêm…mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần. Nếu bố không tích cực hỗ trợ thì mẹ rất dễ bị kiệt sức, stress, cảm thấy cô đơn trong việc nuôi con, nhiều người còn mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Không có thời gian cho bản thân
Thiếu sự trợ giúp của gia đình, người thân, tất nhiên sẽ dẫn đến việc bố mẹ luôn cảm thấy thiếu thời gian dành cho bản thân. Khi chưa đi làm thì một ngày chỉ xoay quanh con cái, việc nhà, đến khi đi làm thì còn thêm thời gian dành cho công việc nữa. Khi con lên mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, bố mẹ còn phải dành nhiều thời gian để tham gia hoạt động của trường cùng con nữa. Rất nhiều người quen của mình ở nhà chăm con toàn thời gian, cho đến khi con lên cấp 1 hoặc cấp 2 mới bắt đầu tìm việc làm thêm, và việc làm thêm cũng phải linh động thời gian, để mẹ có thể tham gia hoạt động ở trường thường xuyên.
Chị đồng nghiệp cũ của mình kể, hồi mới đi làm lại sau kỳ nghỉ sinh, chị ấy thường đi ngủ luôn cùng con, 8 rưỡi là 2 mẹ con cùng đi ngủ, và chị ấy cố gắng dậy vào tầm 4 giờ sáng để có thời gian cho bản thân. Còn ở công ty mới, có chị còn khẳng định, dù có mệt đến mấy cũng cố thức đến 2 giờ sáng, vì sau khi con ngủ chị ấy mới thực sự có thời gian cho mình. Và tất nhiên, các chị luôn trong tình trạng thiếu ngủ, mệt mỏi.
Khó khăn khi đi khám
Kể cả những người có trình độ tiếng Nhật tốt, đi làm nói tiếng Nhật như gió cũng sẽ gặp phải khó khăn khi đi khám, vì đa phần đều là từ ngữ chuyên môn, thậm chí các đồng nghiệp người Nhật của mình cũng phàn nàn rằng đôi khi cho con đi khám mà cũng không biết con bị bệnh gì. Chưa kể cách khám ở Nhật cũng khác với ở Việt Nam, mà hầu hết người Việt ở Nhật đều cho rằng bác sĩ Nhật khám qua loa, sơ sài, theo mình thì đây là điểm trừ khá lớn. Cũng có ý kiến cho rằng thuốc của Nhật khá là nhẹ, không “nhạy” như thuốc ở nhà, con uống thuốc quá lâu mà không khỏi…Tuy nhiên, mình thì cảm thấy khá yên tâm với thuốc ở Nhật, đặc biệt là thuốc kháng sinh được kê đúng liều lượng.
Không tìm được nhà trẻ cho con đi học
Tùy khu vực mà bạn sống, con bạn có thể không được vào học ngay mà phải đăng ký và chờ rất lâu mới được đi học, chưa kể phải đủ điều kiện cả bố và mẹ đều đi làm mới được ưu tiên. Theo báo cáo của chính quyền tỉnh Saitama, thời điểm 1 tháng 4 năm 2021, toàn tỉnh có 388 trẻ đang phải chờ để được nhập học; còn theo báo cáo của thành phố Tokyo, con số này là 1374 trẻ. Cũng theo các báo cáo trên, do ảnh hưởng của dịch covid-19 mà các con số này đều đã giảm rất nhiều so với năm ngoái.
Nhà mình may mắn vì 2 trường mà con học đều khá dễ vào, lại rất gần nhà; một trường là do trường mới thành lập, học sinh còn ít; còn một trường thì do bố mẹ tìm hiểu trước khi chuyển nhà, đặt mục tiêu chỗ nào còn trống thì chuyển đến gần chỗ đó, nên 2 lần đều nộp hồ sơ cái là được đi học luôn. Nhưng cũng có gia đình người quen của mình đã phải chờ đến gần 6 tháng con mới được đi học.
Làm quen với môi trường nhà trẻ ở Nhật
Nhiều gia đình chưa kịp vui mừng vì đỗ nhà trẻ đã phải lo lắng vì list đồ cần chuẩn bị cho con đi trẻ. Nhiều trường yêu cầu phải đúng từ kích cỡ, màu sắc, nhưng cũng có trường khá thoải mái về vấn đề này, tuy nhiên điểm chung là nhiều và rất nhiều đồ cần mua. Chưa kể, nhà trẻ ở Nhật có nhiều quy định khác hoàn toàn với ở Việt Nam, ví dụ không có camera để bố mẹ xem tình hình con học hành ở nhà trẻ thế nào, không được mang đồ ăn ở nhà đến trường, con phải tập thói quen tự xúc ăn nếu không muốn bị đói, 10 giờ sáng trời nắng nóng các con cũng được ra phơi nắng ở công viên, quy định về quần áo khi đi học… Nếu bố mẹ không tìm hiểu kỹ và tâm lý vững vàng thì rất dễ nảy sinh tâm trạng lo lắng, xót con, tiêu cực với cô giáo và nhà trẻ…
Hồi mới cho con đi học, mình cũng lo lắng cực độ; mẹ đi làm mà không biết con làm gì ở nhà trẻ, không biết con có khóc nhiều không, có ăn được không, có nôn trớ, có hòa đồng với các bạn không. Mùa hè thì da dẻ đen thui vì cứ 10 giờ sáng là các cô cho ra công viên nghịch cát, mùa đông thì mặc quần áo mỏng tanh với lý do là trẻ em vận động nhiều dễ ra mồ hôi… Nhưng theo thời gian, con quen dần với nhà trẻ, trưởng thành khỏe mạnh, dạn dĩ, hiểu biết, nên nhà mình khá là yên tâm khi cho con đi trẻ.
Con không nói tiếng Việt
Trẻ đi học ở Nhật trong thời gian dài thì tất nhiên trẻ sẽ nói tiếng Nhật nhiều hơn, có rất nhiều trẻ thậm chí không nói được tiếng Việt. Hồi chưa có con thì mình thấy khá là vô lý, bố mẹ đều là người Việt thì không có lý do gì con lại không nói được tiếng Việt, nhưng bây giờ mình mới phát hiện ra, duy trì tiếng Việt trong khi con đi học ở Nhật là việc cực kỳ khó khăn. Có những gia đình bố mẹ đều rất cố gắng để con nói tiếng Việt, nhưng trẻ vẫn đáp lại bằng tiếng Nhật, thậm chí có những bé khi lên cấp 1, cấp 2 sẽ không thích nói tiếng Việt nữa, do bé tự cảm thấy phát âm tiếng Việt khó, hoặc do sợ bị bạn bè kỳ thị. Nhiều bố mẹ đang tích cực khắc phục tình trạng trên bằng cách cho con tiếp xúc nhiều với tiếng Việt, như chuyện trò hàng ngày, đọc sách tiếng Việt, xem chương trình TV tiếng Việt, kết bạn người Việt…
Cực kỳ tốn kém
Một trong những lý do khiến tỷ lệ sinh thấp có lẽ chính là do nuôi con quá tốn kém, nhiều gia đình không đủ điều kiện để chu cấp đầy đủ cho con. Tuy rằng chính phủ cũng có nhiều hỗ trợ, nhưng gánh nặng kinh tế cũng vẫn còn khá lớn. Thống kê cho thấy, với trẻ từ 0-6 tuổi, mỗi năm sẽ tốn khoảng 220 triệu cho con; từ khi sinh ra đến khi con học hết đại học, tức là năm 22 tuổi, thì ước tính bố mẹ sẽ phải chi khoảng hơn 7 tỷ đồng cho một đứa con. Từ chuyện ăn mặc, đến chuyện đầu tư cho con đi học các môn năng khiếu như đàn piano, vẽ tranh, tham gia câu lạc bộ nọ kia ở trường… tất cả đều tốn thời gian và tiền bạc. Ngay cả các ông bố bà mẹ Nhật cũng gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, có nhiều ý kiến cho rằng họ rất muốn sinh thêm con thứ 2, thứ 3 nhưng sợ không có tiền để nuôi 2, 3 đứa trẻ cho đến khi con vào đại học. Cũng có những gia đình cho rằng, thay vì sinh 2 con để rồi phải cân đo đong đếm, thì họ muốn sinh 1 con và dành toàn bộ tâm huyết cho đứa con này.
Trên đây là một vài khó khăn mà bản thân mình cảm nhận được trong quá trình nuôi dạy con ở Nhật. Muốn khắc phục, mình nghĩ là chỉ còn cách học hỏi nhiều hơn, cả kiến thức lẫn kinh nghiệm. Mình học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm của các anh chị đi trước, đọc cả sách báo của Nhật để tìm hiểu về những vấn đề nuôi dạy con bên Nhật, trang bị kiến thức và chuẩn bị tâm lý cho cả bố cả mẹ. Bố mẹ cũng nên giao tiếp với các phụ huynh người Nhật nhiều hơn, qua các cuộc nói chuyện với họ mình cũng học thêm được nhiều điều mới. Sau 4 năm, tuy vẫn còn nhiều thứ cần học hỏi, nhưng gia đình mình đã vượt qua được một số khó khăn nhất định mà vững tâm nuôi dạy con hơn.