Thông thường, các mẹ sẽ bắt đầu cho con đi nhà trẻ khi con được khoảng 1 tuổi. Khác với việc ở nhà chỉ với bố mẹ, đi trẻ giúp bé tiếp xúc với nhiều người hơn, nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh hơn. Ở bài này, mình sẽ điểm qua một số bệnh mà trẻ dễ mắc khi đi trẻ nhé.
Virus RS
- Triệu chứng: sốt, khó thở, thở khò khè, ho và chảy nước mũi, tóm lại là liên quan đến hệ hô hấp.
- Thời gian ủ bệnh: 2-8 ngày
- Thời điểm trong năm: từ tháng 9 đến đầu xuân, gần đây thì bệnh cũng dễ lây lan vào mùa hè.
Virus này phổ biến đến mức gần như 100% trẻ dưới 2 tuổi đều sẽ mắc bệnh này, đặc biệt lưu ý là các trẻ tháng tuổi nhỏ mà mắc bệnh thì bệnh dễ chuyển biến nặng hơn, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dễ dẫn đến viêm phổi.
Hơn 1 tuổi bạn Kem cũng bị bệnh này, mình nhớ là cứ sáng thì nhiệt độ cơ thể lại bình thường, tối đến lại khoảng 39-40 độ, dai dẳng như vậy đến khoảng 3-4 ngày, khi khỏi hẳn cũng phải ở nhà theo dõi thêm 1 ngày mới được đi học, tóm lại là mất béng 1 tuần ở nhà.
Cúm siêu vi, tiếng Nhật gọi là インフルエンザ
- Triệu chứng: sốt trên 38 độ, đau nhức cơ, đau họng, mệt mỏi
- Thời gian ủ bệnh: 1-4 ngày
- Thời điểm trong năm: tháng 11-4 hàng năm
Cúm siêu vi gồm loại A và loại B, trong đó loại B được xem là lâu khỏi và dễ gây bệnh nặng hơn. Trẻ có thể sốt quá 40 độ trong vài ngày liền, rất mệt và gần như không ăn uống được. Để phòng bệnh thì việc tiêm phòng cúm là rất quan trọng, cứ khoảng tháng 10-11 hàng năm là phải đặt lịch tiêm cho cả gia đình. Tuy tiêm phòng rồi không có nghĩa là sẽ không bị nhiễm, nhưng tiêm phòng có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng và giảm nguy cơ mắc các bệnh về não do sốt cao.
Các virus gây bệnh viêm ruột: Virus rota, virus noro
- Triệu chứng của virus rota: nôn ọe, tiêu chảy, phân có màu trắng
- Thời gian ủ bệnh: 1-3 ngày
- Triệu chứng của virus noro: buồn nôn, nôn ọe, tiêu chảy, sốt
- Thời gian ủ bệnh: 12-48 tiếng
- Thời điểm trong năm: thường vào mùa hè
2 loại virus này cũng có sức lây lan rất mạnh, chỉ cần chạm vào đồ của người bệnh đã dùng qua cũng có khả năng lây nhiễm. Đặc biệt cần chú ý bé dễ bị mất nước do sốt cao, đi nôn ọe và đi ngoài quá nhiều. Để phòng virus thì bố mẹ nên cho bé uống thuốc chống virus rota, đồng thời rửa tay, súc miệng thường xuyên.
Virus adeno
- Triệu chứng: sốt, đau họng, đau đầu, nôn ọe, đau bụng, tiêu chảy, không ăn uống khoảng 3-7 ngày liên tục, đau mắt đỏ, nhiều rỉ mắt, hay chảy nước mắt, mắt sưng…
- Thời gian ủ bệnh: 2-14 ngày
- Thời điểm trong năm: mùa hè
Virus adeno thường lây nhiễm qua nước hồ bơi không sạch sẽ, nên còn có tên gọi làプール熱. Cũng như nhiều loại virus khác, virus adeno không có thuốc đặc trị, chủ yếu là bác sĩ sẽ kê thuốc hạ sốt, thuốc nhỏ mắt… để làm giảm bớt các triệu chứng cho đến khi khỏi hẳn.
Bệnh tay chân miệng
- Triệu chứng: phát ban dạng bỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mu bàn chân, niêm mạc miệng, sốt 1-3 ngày.
- Thời gian ủ bệnh: 3-6 ngày
- Thời điểm trong năm: mùa hè
Thông thường thì các vết phát ban này sẽ khỏi sau khoảng 1 tuần, tuy nhiên, các vết ở miệng dễ bị vỡ, gây nhiệt miệng, khó ăn uống, dễ dẫn đến mất nước. Đôi khi bệnh còn dẫn đến bệnh viêm màng não, nên bố mẹ cần chú ý theo dõi tình hình sức khỏe của bé.
Ngoài các bệnh trên, với các bé mới đi nhà trẻ thì còn dễ mắc một loại bệnh nữa, đó là sốt không rõ nguyên nhân, thường sẽ kéo dài khoảng nửa năm kể từ ngày mới đi trẻ. Rất nhiều mẹ than phiền về việc con đi trẻ và ốm sốt suốt, cô giáo gọi điện làm bố mẹ phải xin nghỉ làm sớm để đón con, nhưng khi đón về thì lại thấy con ở thân nhiệt bình thường, không sốt không quấy gì cả. Nhà mình cũng gặp cảnh tương tự trong khoảng nửa năm, cứ lặp lại chu trình sáng đưa đi, tầm 3-4 giờ chiều có điện thoại báo con sốt, đón con về thì con chả có bệnh gì cả.
Nhưng đúng là các bé không có bệnh gì hết bố mẹ ạ. Khi mới sinh ra, bé được nhận các kháng thể từ mẹ, giúp hình thành được hệ miễn dịch bẩm sinh, nên trước 6 tháng các bé gần như không ốm. Từ 6 tháng tuổi trở đi, các kháng thể mẹ truyền sang đã giảm đi rất nhiều khiến bé dễ mắc bệnh, mà nhà trẻ chính là nơi tập trung các bé đang ở độ tuổi như vậy. Thế nên việc trẻ bị ốm và lây ốm cho nhau ở nhà trẻ là chuyện hết sức bình thường. Đồng thời, bị ốm không phải lúc nào cũng xấu. Khi bị ốm, cơ thể bé sẽ hình thành phản xạ chiến đấu với vi khuẩn, mầm bệnh… nhờ thế mà khả năng miễn dịch của bé trở nên tốt hơn đấy ạ. Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên lưu ý cố gắng không để bé sốt quá cao, dễ bị mất nước và gây tổn thương não bộ.
Để tăng cường khả năng miễn dịch cho bé, bố mẹ nên thường xuyên cho bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không nên sợ bẩn, sợ bệnh mà ngăn bé, cùng với đó là xây dựng chế độ ăn uống phong phú, giờ giấc sinh hoạt hợp lý. Đồng thời, cả gia đình nên hình thành thói quen khi đi ra ngoài về thì rửa tay, súc miệng để giữ gìn sức khỏe cho cả nhà nhé.