Còn khoảng 2 tháng nữa là đến kỳ thi JLPT rồi. Không biết các bạn có tham gia kỳ thi tháng 7 sắp tới không? Nếu các bạn muốn nâng cao khả năng đọc hiểu, thậm chí là đạt điểm tuyệt đối cho phần dokkai thì đừng bỏ lỡ bài viết này nhé.
Nhiều bạn chia sẻ rằng phần dokkai trong kỳ thi năng lực tiếng Nhật là phần khó nhất, nhìn phần dokkai mà như lạc vào ma trận: bài vừa dài, lượng từ mới và chữ Hán lại nhiều, có khi chưa kịp hiểu đã hết giờ làm bài thi.
Có nhiều nguyên nhân khiến bài dokkai trở thành điểm yếu của nhiều người học tiếng Nhật.
-
Bài quá dài: phần dokkai thường rất dài, với những bạn chưa luyện tập nhiều phần đọc thì dễ nản dù chưa bắt tay vào làm bài.
-
Quá nhiều từ vựng và chữ Hán không biết: vì lượng bài dài, nên chắc chắn sẽ có những từ vựng, chữ Hán mà chúng ta hoàn toàn chưa gặp, đoán cũng không đoán được nghĩa là gì. Việc không hiểu nghĩa từ vựng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm bài dokkai.
-
Dù hiểu từ vựng nhưng cũng không nắm được toàn thể đoạn văn nói về gì: chắc hẳn có không ít bạn gặp tình trạng như thế này, hiểu hết nghĩa của từ, nhưng ghép lại cả câu thì không hiểu nghĩa là gì. Nguyên nhân chủ yếu là do không nắm được bối cảnh của đoạn văn, không phân tích được cấu trúc câu, sâu xa hơn là do ít luyện tập đọc hiểu tiếng Nhật.
Để khắc phục được những điểm trên, chúng mình cần có kế hoạch ôn tập phù hợp và nắm được cách làm bài hiệu quả. Nếu chịu khó luyện tập đúng thì phần dokkai lại là phần dễ ăn điểm hơn cả. Mấy năm trước, mình có đăng ký thi N1 và may mắn là đạt điểm dokkai tuyệt đối 60/60.
Để làm tốt bài dokkai, mình thường luyện đọc theo các phương pháp như dưới đây.
-
Luyện đọc từ trình độ thấp hơn
Chứng chỉ JLPT chia thành 5 cấp, từ N5 đến N1. Nhiều bạn khi đã thi đỗ N3 sẽ ngay lập tức tìm tài liệu để ôn trình độ N2 luôn. Nhưng không phải bạn đã có bằng N3 nghĩa là trình độ đọc hiểu của bạn đã ở mức N3. Nếu chỉ chăm chú ôn luyện tài liệu N2 thì dễ quá sức và bị nản. Vậy nên, theo mình, trước hết các bạn nên tìm đọc tài liệu ở trình độ thấp hơn, ví dụ mục tiêu thi N2 nhưng luyện kỹ đề N3 trước. Nếu bạn nắm được dạng bài, các chú ý rồi thì khi luyện đề N2 sẽ thấy dễ thở hơn rất nhiều.
-
Đọc theo thứ tự: Tiêu đề→ Câu hỏi→ Đáp án→ Đoạn văn
Mục đích của việc đọc theo thứ tự này là để dự đoán trước được đoạn văn này sẽ nói về cái gì, cần chú ý từ gì… điều này khiến não bộ dễ xử lý thông tin khi đọc đến đoạn văn chính.
-
Chú ý tập phân tích câu
Câu tiếng Nhật khó hiểu ở chỗ chủ ngữ có thể bị lược bỏ, vậy nên khi đọc câu các bạn sẽ không hiểu chủ ngữ của câu là ai, cả câu đang nói về vấn đề gì. Tập phân tích câu sẽ giúp các bạn hiểu được đại ý của cả câu mà không cần phải hiểu hết nghĩa của toàn bộ từ vựng.
-
Không nên chú tâm vào dịch nghĩa sang tiếng Việt
Như mình đã nói ở trên, từ vựng và chữ Hán trong bài đọc rất nhiều, bạn sẽ không thể nào hiểu hết được ý nghĩa của chúng. Nếu cứ đặt trọng tâm vào việc đọc rồi dịch sang tiếng Việt, bạn dễ bị mất nhiều thời gian mà cuối cùng vẫn không hiểu được ý của toàn bộ đoạn văn. Thay vì quá để ý đến ý nghĩa của từng câu, từng từ, các bạn nên tập thói quen phân tích câu và luyện đọc thật nhiều.
-
Chú ý các liên từ ở đầu và cuối câu
Liên từ có thể giúp chúng ta phân biệt được câu nào là câu quan trọng, cần đọc kỹ, câu nào là câu chỉ cần đọc lướt qua. Đặc biệt lưu ý là không phải chỉ có liên từ ở đầu câu mà liên từ ở cuối câu cũng rất quan trọng. Các bạn hãy gạch chân dưới phần liên từ khi làm đề để bản thân luyện thói quen chú ý đến cách dùng của liên từ. Liên từ có thể giúp chúng ta phân biệt được câu nào là câu quan trọng, cần đọc kỹ, câu nào là câu chỉ cần đọc lướt qua.
Một số liên từ quan trọng cần chú ý:
「しかし」「けれども」: Thường hay dùng trước câu thể hiện suy nghĩ của tác giả. Vì thế nên lưu ý vế phía sau 「しかし」.
「しかも」「さらに」「そのうえ」: Thường dùng khi bổ sung thêm ý kiến của tác giả, khi nhìn thấy liên từ này thì cần đọc kỹ phần sau của liên từ đó.
「つまり」: Đây là cách diễn đạt cùng một ý tưởng nhưng với cách dùng từ, hay cách nói khác, cần đặc biệt chú ý phần đằng sau.
「だから」: Câu phía trước là câu chỉ lý do, nguyên nhân, còn phần đằng sau 「だから」là kết luận.
-
Nắm rõ các kiểu câu hỏi trong phần dokkai
Việc nắm được các kiểu câu hỏi sẽ giúp các bạn tìm được câu trả lời nhanh hơn. Dưới đây là 5 dạng câu hỏi thường gặp trong phần dokkai.
①Câu hỏi về chỉ thị từ「これは何を指していますか」
Khi gặp câu hỏi về chỉ thị từ, các phải đọc kỹ các câu nằm ngay gần chỉ thị từ đó. Khị luyện tập, các bạn có thể gạch chân câu có chứa phần gạch chân để dễ hình dung hơn.
②Câu hỏi về phần gạch chân 「下線部とは何を指しているか」
Với câu hỏi này cũng cũng vậy, các bạn cần tìm câu nằm ngay gần phần gạch chân đó. Đa phần đề thi sẽ không sử dụng y nguyên từ đó, mà thay thế bằng từ khác có ý nghĩa tương đương.
③Câu hỏi lý do
Tìm những câu có chứa liên từ 「なぜなら」「〜から」「〜ので」「〜ため」「〜て」, sau đó thì đối chiếu với 4 lựa chọn ở phần đề bài.
④Câu hỏi có chứa từ để hỏi 5W1H「〜とあるが、なにか」「〜とは誰のことか」
Tương tự với câu hỏi về phần gạch chân, các bạn cần tìm câu nằm ngay gần phần gạch chân đó. Đa phần đề thi sẽ không sử dụng y nguyên từ đó, mà thay thế bằng từ khác có ý nghĩa tương đương.
⑤Câu hỏi về suy nghĩ của tác giả「筆者が最も言いたいことは何か」
Thông thường, điều tác giả muốn nói đến nhất nằm ở cuối đoạn văn. Ngoài ra, các câu thể hiện quan điểm của tác giả thường đi với các liên từ thể hiện kết luận như 「このように」「よって」hoặc các từ thể hiện suy nghĩ như「と思われる」「べきだ」「ではないか」「わけだ」.