Năm 20 tuổi, mình nghĩ chuyện tính toán chi tiêu, tiết kiệm tiền bạc là chuyện của “người lớn”, người đã có gia đình, phải lo cho con cái. Năm 26 tuổi, mình sinh con đầu lòng mà không có gì trong tay, vẫn đinh ninh rằng cả 2 vợ chồng công việc ổn định, mỗi tháng đủ ăn tiêu, có chút tiết kiệm là được. Năm 30 tuổi, mình hối hận vì không bắt đầu quản lý tài chính sớm hơn.
Tiền bạc thật sự rất quan trọng, nhưng trên thực tế, không có mấy người có cơ hội được dạy về cách quản lý đồng tiền sao cho hợp lý. Tháng nào cũng vay chỗ nọ đắp chỗ kia, mong chờ lương về để trả nợ credit, trả nợ bạn bè, trả tiền nhà…, nhìn xung quanh thấy ai cũng giống mình nên nghĩ rằng chuyện này là đương nhiên. Đến khi có gia đình, đặc biệt là có con cái, chúng ta mới thật sự nhận ra tầm quan trọng của tiền bạc, của tiết kiệm, của quản lý tài chính.
Chúng ta cần quản lý 2 loại tiền
Về cơ bản, có 2 loại tiền mà chúng ta cần quản lý:
- Tiền dùng cho hiện tại
- Tiền dùng cho tương lai
Tiền dùng cho hiện tại có thể hiểu là tiền sinh hoạt hàng ngày, hay trong quản lý tài chính gọi là khoản chi. Tiền dùng cho tương lai chính là tiền tiết kiệm, tùy độ tuổi và hoàn cảnh mà tiến dùng cho tương lai có thể liệt kê như là tiền học phí cho con cái, tiền mua xe, mua nhà, tiền dưỡng lão…
Tiền sinh hoạt có thể tính theo đơn vị ngày, tuần hoặc phổ biến hơn là tháng. Còn tiền tiết kiệm thì nên tính dài hạn, ví dụ một năm, 5 năm, 10 năm…
Quản lý chi tiêu thành công nằm ở cách quản lý hạn mức chi tiêu
Quản lý tiền sinh hoạt có nhiều giai đoạn. Nếu hiện tại thu chi đang ở mức âm, hoặc hoàn toàn không có dư, thì hãy tính toán làm sao để Thu nhập > Chi tiêu, tức là đảm bảo mỗi tháng có chút tiền tiết kiệm, dù chỉ là một chút.
Để đạt được mục đích này, chúng ta cần học cách quản lý hạn mức chi tiêu: tiền ăn bao nhiêu, tiền đồ dùng hàng ngày bao nhiêu, tiền quần áo bao nhiêu… Nếu như chi tiêu trong phạm vi đã đặt ra không gây ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc sống, thì chắc chắn gia đình bạn sẽ có tiền tiết kiệm.
Sau khi đã đặt ra cho mình hạn mức chi tiêu, chúng ta cần phải cố gắng chi tiêu trong đúng phạm vi đã đặt ra, bằng cách ghi chép lại toàn bộ chi tiêu hàng ngày, tìm ra các khoản chi lãng phí. Các bạn có thể tham khảo bài viết Làm thế nào để tiết kiệm tiền của mình ở đây.
Ban đầu chắc chắn sẽ cảm thấy bức bối vì có nhiều giới hạn. Nhưng khi đã nắm được các khoản chi tiêu, các bạn sẽ dần hình thành được thói quen tiết kiệm, tự cắt giảm chi tiêu lãng phí. Thói quen tiết kiệm là điều rất quan trọng trong quản lý tài chính.
Khi đã đạt mục tiêu Thu nhập > Chi tiêu, tức là có tiền tiết kiệm, chúng ta sẽ phải tìm cách để tăng khoản tiền tiết kiệm hàng tháng lên. Quá trình này sẽ mất nhiều thời gian, vì chúng ta sẽ phải làm nhiều phép thử để tìm được phương pháp hiệu quả và phù hợp với tình hình của bản thân.
Chia nhỏ khoản tiền tiết kiệm
Tiền tiết kiệm nên được phân chia nhỏ theo mục đích sử dụng, ví dụ, chúng ta có thể chia tiền tiết kiệm thành 3 loại: Quỹ khẩn cấp, Quỹ dành cho dự định trong tương lai gần, Quỹ lâu dài.
-
Quỹ khẩn cấp
Trong cuộc sống, đôi khi không tránh khỏi những tình huống không lường trước được, khiến chúng ta bị rơi vào thế khó về tài chính. Ví dụ như bỗng nhiên bạn phát hiện ra mình bị bệnh phải nằm viện thời gian dài, vừa phải nghỉ làm, vừa tốn tiền điều trị. Hoặc, dịch Covid-19 khiến bạn bị sa thải đột ngột, bỗng nhiên công việc mang lại nguồn thu nuôi sống bạn và gia đình không còn nữa. Những lúc như vậy, chúng ta sẽ cần đến quỹ khẩn cấp.
Nếu có thể, các bạn nên dự trù khoảng 1 năm tiền phí sinh hoạt cho quỹ này. Ví dụ, 1 tháng gia đình tiêu khoảng 20 triệu, thì nên dành khoảng 240 triệu để dự phòng cho các tình huống khẩn cấp. Khoản tiền này nên được giữ bằng tiền mặt, hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng, để khi nào cần có thể rút ra sử dụng ngay được.
-
Quỹ dành cho dự định trong tương lai gần
Trong khoảng 3 năm, 5 năm tới, bạn có những dự định gì, gia đình sẽ có những thay đổi như thế nào?
-
2 năm nữa sẽ mua xe
-
Sang năm sẽ sinh thêm con thứ hai
-
3 năm nữa con sẽ lên cấp 3
-
Đi du lịch nước ngoài để kỷ niệm 10 năm ngày cưới
Để chuẩn bị cho những dự định, những thay đổi đó, chúng ta cũng cần có một khoản tiết kiệm. Giống như quỹ dự phòng, khoản tiền này cũng nên được giữ theo hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng, hoặc bất cứ hình thức nào mà bạn có thể rút ra ngay khi cần đến.
-
-
Quỹ lâu dài
Mục đích của quỹ lâu dài là đảm bảo tài chính cho tương lai xa của bản thân và gia đình. Có khoản tiền đảm bảo cho cuộc sống khi về già chắc hẳn là nguyện vọng của rất nhiều người. Với khoản tiền này, bạn nên cân nhắc để đầu tư, vì giữ tiền quá lâu mà không đầu tư sinh lời thì sớm muộn khoản tiền của bạn cũng sẽ bị mất giá.
Có rất nhiều cách để đầu tư, ví dụ như bất động sản, vàng, chứng khoán… Tuy nhiên, dù đầu tư theo hình thức nào, các bạn cũng nên chia nhỏ khoản đầu tư, không nên chỉ đầu tư tập trung vào một sản phẩm hoặc một hình thức vì rủi ro mang lại cũng cao hơn.
Những việc nên làm để hiện thực hóa quản lý tài chính
-
Nắm được tài sản và thu nhập của bản thân
Tài sản ở đây là nhà cửa, xe cộ, đất đai, tiền mặt, vàng… tất cả những gì có thể quy đổi ra tiền. Chúng ta phải tự liệt kê tài sản cá nhân, đồng thời nắm chắc thu nhập hàng tháng để tiện cho việc theo dõi tài chính.
-
Đặt hạn mức chi tiêu cho các mục cụ thể
Khi đã nắm được tài sản có trong tay và thu nhập hàng tháng, điều tiếp theo cần làm là đặt hạn mức chi tiêu. Các bạn có thể tham khảo danh sách các mục chi tiêu như sau:
- Tiền tiết kiệm (Đừng quên luôn đặt mục này lên đầu)
- Tiền thuê nhà
- Tiền ăn
- Tiền bảo hiểm
- Tiền xăng xe
- Tiền internet
- Tiền học phí cho con
- Tiền giải trí, du lịch
Sau đó đặt hạn mức chi tiêu cho từng mục. Hạn mức chi tiêu này được dựa trên tình hình chi tiêu thực tế của gia đình trong khoảng 3-6 tháng gần nhất.
-
Cắt giảm chi tiêu một cách hợp lý
Bước này sẽ giúp cho các bạn đạt được mục tiêu Thu nhập > Chi tiêu, cũng có nghĩa là sẽ có tiền tiết kiệm. Dần dần, chúng ta sẽ tìm cách để khoản tiền tiết kiệm ngày càng tăng hơn nữa.
Lưu ý là cắt giảm chi tiêu ở mức hợp lý, chứ không nên cắt giảm quá mức khiến chất lượng sống của gia đình bị giảm mạnh. Như thế dễ dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề và không thể duy trì mức chi tiêu này lâu dài được.
-
Tạo một quỹ khẩn cấp
Từ khoản tiết kiệm đạt được, các bạn nên bắt đầu tạo quỹ khẩn cấp. Như đã nói ở trên, quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn ứng phó với những thay đổi phát sinh đột ngột trong cuộc sống, vì thế, theo mình, quỹ này nên được xem xét đầu tiên.
Trước hết, bạn nên tính toán xem mình sẽ cần bao nhiêu tiền cho quỹ này, và tích cóp trong bao lâu để đạt được mục tiêu. Sau đó sẽ lên kế hoạch trích từ tiền tiết kiệm hàng tháng để cho vào quỹ. Ngoài ra, bạn còn có thể bán bớt một số đồ dùng mà không còn có ích với bạn nữa, như sách cũ, quần áo cũ… để tăng thêm quỹ này. Càng sớm đạt được mục tiêu cho quỹ tiết kiệm, bạn càng nhanh đạt được sự tự tin trong tài chính (financial confidence), giúp chúng ta có thêm động lực để hoàn thành các mục tiêu lâu dài hơn.
-
Tăng thu nhập
Với đa phần người dân đi làm công ăn lương bình thường như chúng ta, tiền lương đủ để chi tiêu hàng ngày và có chút tiền tiết kiệm để cho quỹ khẩn cấp đã là một điều cực kỳ may mắn rồi. Nếu muốn tăng thêm tiền tiết kiệm, không thể chỉ dựa vào cắt giảm chi tiêu, mà còn cần phải nghĩ cách để tăng thu nhập.
Có người lựa chọn làm thêm nghề tay trái, có người dứt khoát nhảy việc khác lương cao hơn, có người đầu tư chứng khoán, vàng, tận dụng đất đai, nhà cửa có sẵn để cho thuê… Việc làm thế nào để tăng thu nhập là lựa chọn cá nhân của mỗi người, tuy nhiên, trước khi làm nên tìm hiểu kỹ chứ không nên chạy theo số đông. Người Việt mình có xu hướng chạy theo số đông, có thể lấy ví dụ xu hướng nhà nhà chơi chứng khoán bùng nổ khoảng 2 năm gần đây, người lãi cũng có, nhưng người tay trắng cũng rất nhiều.
-
Lập kế hoạch tài chính cuộc đời Financial Life Planning
Kế hoạch tài chính cuộc đời chính là thiết lập những dự định cho tương lai và đi kèm là những chi phí cho nó. Đa phần cuộc đời của con người có những mốc phải trải qua như: học đại học, đi làm, lập gia đình, mua nhà, mua xe, sinh con, con cái đi học… Bạn đang ở mốc nào của cuộc đời? Trong 3 năm tới bạn có những dự định gì? Việc lập kế hoạch sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tài chính tốt hơn cho tương lai. Đã có nhiều câu chuyện về các gia đình lên kế hoạch mua nhà riêng, kế hoạch cho con đi du học… từ rất sớm và họ đã thành công.
Xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cá nhân sẽ giúp chúng ta có nền tảng tài chính vững vàng, tự chủ trong tài chính, tự do tận hưởng cuộc sống.
Các bạn nên chủ động học hỏi, không ngại tìm hiểu những kiến thức mới về tài chính với tâm thế vững vàng, không vội vàng, không tạo áp lực cho bản thân và gia đình. Chúc các bạn sớm tìm được cách quản lý phù hợp để tạo giá trị bền vững cho tương lai.