Rất nhiều bạn bè đã liên lạc với mình sau khi đọc được bài viết Một số thói quen để chi tiêu hợp lý và tiết kiệm hiệu quả, than phiền sao họ không thể tiết kiệm được, tiền đi đâu hết, tết nhất đến nơi mà không có tiền tiêu tết… Nghe tâm sự của mọi người, mình phát hiện ra những người không tiết kiệm được tiền thường có suy nghĩ giống nhau, và trước đây mình cũng từng suy nghĩ hệt như vậy.
“Còn 1 tuần nữa mới có lương mà không hiểu sao đã hết tiền?”
“Vừa nhận lương xong mà giờ đã không còn đồng nào là sao nhỉ?”
“Rõ ràng mình không chi tiêu quá xa xỉ, sao vẫn không có tiền tiết kiệm?”
Mỗi khi gặp vấn đề về tài chính, những suy nghĩ trên lại quanh quẩn trong đầu mình, nhưng cứ nghĩ vậy rồi thôi chứ không tự tìm cách giải quyết tình trạng trên. Cho đến ngày được chồng mình gợi ý ghi chép lại chi tiêu hàng ngày, mình mới từng bước thoát khỏi tình trạng “1 tháng rỗng túi 15 ngày”. Ở bài này, mình sẽ chia sẻ các bước cơ bản mà chúng mình đã thực hiện trong quá trình học cách quản lý tài chính cá nhân nhé.
Các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài chính cho rằng, những người không tiết kiệm được tiền thường có những đặc điểm như dưới đây:
- Không nắm được thu chi mỗi tháng của bản thân
- Tiêu quá nhiều tiền cho sở thích của bản thân
- Không tính toán hạn mức trước khi chi
- Thói quen mua sắm không lành mạnh
- Thu nhập tương đối cao nên chi tiêu nhiều
- Không có kế hoạch tiết kiệm cụ thể, chỉ nghĩ đơn giản là tiền còn thừa sẽ dùng để tiết kiệm
Các bạn có thấy bản thân mình trong đó không? Nếu các bạn có những điểm như trên, hãy thử bắt đầu quản lý tài chính cá nhân bằng vài bước như dưới đây xem sao nhé.
-
Bước 1: Nắm chắc thu chi hàng tháng
Muốn tiết kiệm tiền, trước hết chúng ta cần nắm được các khoản thu chi hàng tháng, nếu không thì bạn sẽ không lên được bất cứ kế hoạch nào cả. Các bạn có thể tự ghi chi tiêu bằng tay, lập file excel, hoặc là dùng các app quản lý chi tiêu đều được. Lưu ý là khi ghi chép thu chi, các bạn nên chia thành 2 mục lớn, là các khoản chi tiêu cố định (mỗi tháng đều giống nhau như tiền nhà, tiền bảo hiểm, tiền vé tháng, tiền học cho con…) và chi tiêu có biến động (như tiền ăn, tiền đồ dùng hàng ngày, tiền quần áo…).
Trước đây mình cũng từng nghĩ, thu chi mỗi tháng đều như vậy, ghi chép lại làm gì cho phiền phức. Nhưng sự thật là thu chi trên thực tế và thu chi trong suy nghĩ của mình khác nhau một trời một vực, chưa kể đôi khi lại phát sinh một vài khoản tiền không cố định. Việc ghi chép từng khoản chi tiêu ra giấy tờ giúp mình dễ dàng đối chiếu lại khi cần, đồng thời là nền tảng để mình thiết lập mục tiêu và kế hoạch tiết kiệm.
Dưới đây là hình ảnh những file ghi chép chi tiêu của gia đình mình theo từng năm, từ năm 2016 đến nay. Ở bên Nhật thì hầu như mua sắm gì cũng có hóa đơn nên việc ghi chép chi tiêu khá là tiện lợi.
-
Bước 2: Xem xét lại các khoản chi
Khi đã nắm được thu chi hàng tháng, hãy xem lại TẤT CẢ các khoản chi tiêu của mình, xem có khoản nào có thể cắt giảm được không.
Về cơ bản thì các khoản chi tiêu cố định đều khó mà giảm được, vì ít người có thể chuyển nhà hay chuyển trường cho con để giảm tiền nhà, tiền học phí… Tất nhiên, nếu có giải pháp hợp lý thì cắt giảm chi tiêu cố định có thể giúp chúng ta tiết kiệm được kha khá tiền. Ví dụ, với gia đình mình thì tiền internet được tính là khoản chi tiêu cố định, mỗi tháng đều phải trả một khoản tiền giống nhau. Sau khi tìm hiểu về mức ưu đãi của các nhà mạng, chồng mình đã quyết định đổi mạng internet để giảm bớt chi phí hàng tháng.
Với các khoản chi tiêu có biến động, đầu tiên, các bạn nên xem xét tiền ăn uống hàng tháng xem như thế đã hợp lý chưa. Có thể bạn sẽ cảm thấy ăn uống là chuyện quan trọng, là hưởng thụ, không nên cân đo đong đếm kỹ lưỡng quá làm gì. Nhưng thực ra nếu biết cách quản lý chi tiêu thì bạn hoàn toàn có thể đảm bảo mâm cơm dinh dưỡng mà lại giảm bớt chi phí thừa thãi vô ích. Một số cách có thể dùng để giảm bớt tiền ăn như là hạn chế ăn ngoài, giảm số lần đi chợ, mang cơm hộp đi làm, lên sẵn thực đơn hàng ngày trước khi đi chợ… Có nhiều bà nội trợ Nhật còn dùng cách đặt hạn mức chi tiêu cho từng tuần, ví dụ mỗi tuần 2 triệu tiền ăn, để riêng vào phong bì. Cứ mỗi tuần đi chợ sẽ mang 2 triệu đó đi, mua sao cho không vượt quá mức đó mà vẫn đủ lượng thức ăn cho cả tuần. Gia đình mình cũng đã giảm được ít nhất là 2 triệu tiền thức ăn hàng tháng nhờ áp dụng một số cách như trên.
Ngoài ra, các bạn nên đặc biệt lưu ý đến những khoản chi tiêu phục vụ sở thích hoặc để tự thưởng cho bản thân, ví dụ như đồ uống, giày dép, quần áo, đi chơi…. Đó thường là những khoản tiền bạn nghĩ không đáng là bao, có thể là cả tháng mới có 1 lần, nhưng nếu tính toán lại thì sẽ thấy đó là một khoản khổng lồ. Em gái của một người bạn nhắn mình, em ấy thích uống trà sữa, và luôn nghĩ bản thân không tiêu quá nhiều tiền vào trà sữa, vì mỗi lần mua chỉ vài chục đến 100 nghìn. Nhưng sau khi thử giữ lại hoá đơn mỗi lần mua trà sữa và tổng kết lại vào cuối tháng, em ấy phát hiện bản thân đã tiêu những gần 2 triệu 1 tháng cho trà sữa, trong khi lương tháng chỉ có 8 triệu. Có nghĩa là ¼ tháng lương đã ra đi mà bản thân hoàn toàn không ý thức được chuyện này. Uống nhiều trà sữa không tốt, và chi tiêu quá nhiều cho trà sữa trong khi thu nhập có hạn cũng là điều cực kỳ không tốt. Bản thân mình cũng thích uống trà sữa, nhưng mỗi tháng chỉ giới hạn 1-2 cốc, có tháng không uống cốc nào, một là vì sức khỏe, hai là vì túi tiền.
Thói quen mua sắm cũng có thể khiến bạn chi tiêu lãng phí. Có khá nhiều lý do chúng ta dễ dàng bỏ một khoản mà chúng ta nghĩ không đáng là bao để mua những thứ không thực sự cần thiết, ví dụ như mua để được miễn phí ship, mua vì đang sale, không mua nhanh hết mất sale, mua vì rẻ, mua vì những người xung quanh đều mua, mua vì cả năm nay chưa mua gì… Mình cũng đã từng phải vứt đi khá nhiều đồ, trong khi còn chưa dùng đến lần nào. Vì thế, giờ đây mình tự đặt quy tắc phải nghĩ vì độ cần thiết của chúng trước khi mua. Nếu như chỉ là đồ đạc “trông có vẻ sẽ cần” hoặc là “không có cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống” thì mình sẽ không mua.
-
Bước 3: Lập quy tắc chi tiêu
Sau khi cân nhắc lại các khoản chi, các bạn nên tự đặt quy tắc chi tiêu, nếu bạn đã có gia đình thì nên thống nhất các quy tắc đó với gia đình. Mình từng giới thiệu một số thói quen để chi tiêu hợp lý của gia đình mình, chỉ là những việc khá nhỏ nhặt, nhưng đây đều là những quy tắc giúp mình ý thức được giá trị của đồng tiền, luôn cân nhắc kỹ trước khi chi tiêu.
Tuy nhiên, các bạn cũng nên lưu ý là quá cứng nhắc thực hiện quy tắc tiết kiệm sẽ dễ dẫn đến stress, đồng thời nên xem xét lại quy tắc chi tiêu nếu thấy nó đã không còn phù hợp với hoàn cảnh của gia đình bạn nữa.
-
Bước 4: Quy định khoản tiết kiệm và cất khoản tiết kiệm đó trước
Sau khi đã nắm được thu chi và có các biện pháp để cắt giảm các khoản chi, các bạn sẽ dễ dàng định hình được mỗi tháng mình có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Hãy tự quy định khoản tiết kiệm hàng tháng, và cất khoản tiền đó ngay sau khi lương về, khoản tiền còn lại dùng cho sinh hoạt. Theo chuyên gia về quản lý tài chính cá nhân, chúng ta nên tiết kiệm ít nhất là 20% thu nhập, nhưng nếu còn chưa quen với việc tiết kiệm, các bạn có thể đặt mục tiêu tiết kiệm 10% thu nhập, và cố gắng để tăng dần theo thời gian. Năm ngoái, nhà mình tiết kiệm được hơn 30% thu nhập, và năm nay đang cố gắng tăng thu nhập để nâng mức tiết kiệm lên 50%.
Khoản tiền tiết kiệm các bạn có thể giữ bằng tiền mặt hoặc là để vào tài khoản ngân hàng, tùy cách nào tiện lợi với bạn hơn. Ở Nhật thì dịch vụ ngân hàng khá là tiện, nên gia đình mình dùng một tài khoản riêng để giữ tiền tiết kiệm, đến ngày lĩnh lương là chuyển phần tiền tiết kiệm về tài khoản đó luôn.
Một khi đã xác định sẽ tiết kiệm tiền, điều quan trọng là phải duy trì các việc trên như thói quen hàng ngày. Tiết kiệm tiền là cả một quá trình mà chúng ta thực hiện vì mục tiêu lâu dài, chứ không phải chỉ thực hiện nhất thời rồi thôi, trừ khi bạn đã có gia tài cả đời tiêu không hết.
Với những người chưa từng thực hiện các biện pháp để quản lý tài chính và tiết kiệm, thì thời gian đầu có thể là sẽ rất khó khăn để tiết kiệm được 1,2 triệu đồng. Nhưng nếu kiên trì thực hiện thì mình tin là dần dần các bạn sẽ tìm được các bí quyết tiết kiệm phù hợp và quỹ tiết kiệm của gia đình sẽ ngày càng tăng.