Ngoài tiếng Nhật, tiếng Trung là ngoại ngữ mà mình tự tin nhất. Cách đây hơn 6 năm, mình đã thi lấy bằng HSK 5 với số điểm là 260 điểm, trong đó nghe và đọc đạt gần tuyệt đối. Lúc đó mình thi với mục đích làm đẹp hồ sơ xin việc, vì chuyên ngành của mình không liên quan gì đến tiếng Trung, nếu không có bằng cấp thì khó mà chứng tỏ được khả năng của mình. Hiện tại, công việc của mình chủ yếu sử dụng tiếng Nhật và tiếng Anh, nhưng lúc cần thiết, mình vẫn có thể ứng phó với khách hàng nói tiếng Trung.
Chọn giáo trình phù hợp
Nếu học ở trường, ngoài giáo trình thì cách thầy cô giảng bài là yếu tố rất quan trọng để truyền hứng thú cho người học. Bên cạnh giáo trình có sẵn, thầy cô còn có thể lồng ghép kiến thức khác vào trong bài giảng. Tuy nhiên, với các bạn lựa chọn tự học tiếng Trung, không thầy cô, không bạn học, thì giáo trình thật sự rất quan trọng.
Hồi mình bắt đầu học tiếng Trung, giáo trình phổ biến nhất là Bộ giáo trình Hán ngữ 6 cuốn. Nhưng mình không cảm thấy hứng thú khi học giáo trình này, vì hội thoại của nó quá… ngắn và đơn giản. Mình vẫn nhớ bài 1 chỉ có duy nhất 2 dòng hội thoại 你好. Đến bài 6 hay 7 vẫn chỉ là những câu hỏi đáp rất ngắn gọn, cảm giác không có tính ứng dụng mấy. Hồi học theo giáo trình này, một ngày có khi mình học đến 5 bài, vì nội dung học quá ngắn.
Đến khi mình được biết đến giáo trình Boya, mình mới nhận ra tầm quan trọng của giáo trình. Một bài của Boya có thể bằng 3-4 bài của Bộ giáo trình Hán ngữ, các câu hội thoại khá đa dạng, sau khi học xong một bài là đã có thể tự tin hơn khi nói về chủ đề đã học. Thế là mình bỏ hẳn giáo trình cũ mà chuyển sang học Boya, tiến độ học nhanh hơn hẳn.
Đây chỉ là ý kiến cá nhân của mình trong quá trình học, có người muốn học chậm nên thích dùng giáo trình Hán ngữ, có người lại lựa chọn giáo trình khác. Vậy nên khi bắt đầu học, các bạn nên thử qua 2,3 bộ giáo trình để tìm được giáo trình phù hợp. Nhất là việc dạy và học tiếng Trung ở Việt Nam ngày nay rất phát triển, có rất nhiều bộ giáo trình mới được đưa vào sử dụng.
Học theo đúng thứ tự Nghe -> Nói -> Đọc -> Viết
Khác với giáo trình tiếng Anh mà chúng ta hay gặp, giáo trình tiếng Trung luôn có hội thoại, từ mới cùng phần nghe cho hội thoại và từ mới đó, cực kỳ có lợi cho việc học từ cũng như học nói tiếng Trung. Tận dụng điểm đó, chúng ta nên học theo đúng thứ tự Nghe-> Nói > Đọc-> Viết.
Trước hết, nghe CD đọc từ mới và phát âm theo, nghe vài lần, phát âm theo vài lần, sau đó tự đọc lại cho nhuần nhuyễn, sau đó đọc vào bài hội thoại. Đến bài hội thoại, mình cũng nghe vài lần và đọc to nhiều lần để thuộc cách nói, làm quen với cách dùng từ trong câu, sau đó mới đọc để hiểu nghĩa, và học viết. Khi ôn lại mình cũng ít khi viết trước, mà đầu tiên sẽ phát âm từ mới trước, đọc bài hội thoại rồi mới tập viết từ mới.
Học theo thứ tự này sẽ giúp các bạn luyện khả năng nói ngay từ cơ bản, giúp tai quen với cách phát âm của từ, nhớ từ mới bằng hội thoại để dễ dàng phát triển khả năng giao tiếp và tư duy bằng tiếng Trung hơn.
Học mỗi ngày bằng nhiều cách
Tiếng Nhật, tiếng Anh thì không dám kể chứ tiếng Trung thì mình có thể khẳng định là mình học mỗi ngày. Thời gian mới chập chững bắt đầu học thì mình học kiến thức cơ bản trong sách vở, mỗi ngày một chút. Không thể đếm được mình đã tốn bao nhiêu quyển vở chỉ để tập viết từ mới tiếng Trung đâu các bạn ạ.
Khi đã có vốn vừa đủ thì mình học bằng cách xem phim, đọc tài liệu, nghe youtube, podcast… Phim ảnh và youtube thực sự là nguồn học phong phú và hiệu quả, xem và nghe nhiều ở những chủ đề mà mình thích khiến mình dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn.
Các bạn có thể tham khảo một số kênh youtube hay podcast mà mình hay sử dụng ở dưới đây.
-
Kênh Mandarin Click
Kênh này có các video dành cho trình độ từ cơ bản đến trung cấp, nội dung cũng khá thú vị. Dù mình không còn cần nghe trình độ này nữa, nhưng mình vẫn xem qua vì mình muốn qua đây học được cách viết câu và đoạn thuần thục.
-
Kênh Chinese Essentials
Kênh này cũng có nội dung phù hợp với trình độ từ cơ bản đến trung cấp, các cung cấp kiến thức cũng khá phong phú, có cả học tiếng Trung qua phim.
-
Podcast 慢速中文 Slow Chinese
Đây là kênh podcast mà mình đã nghe trong suốt 2 năm học thạc sĩ bên Nhật, cảm giác cực… Trung Quốc. Ít nhất phải có trình độ trung cấp trở lên mới nghe hiểu được. Hiện tại kênh không còn ra podcast nữa, nhưng các bạn vẫn có thể nghe các bài cũ.
-
Kênh 即凉 Lion
Kênh chia sẻ về các tips để học tập, làm việc có hiệu quả, thích hợp cho các bạn trình độ cao cấp.
Bắt mình phải tư duy bằng tiếng Trung
Tư duy bằng ngoại ngữ là cách học ngoại ngữ hiệu quả, nhưng không phải ai cũng làm được. Rất khó để tập cho mình thói quen tư duy bằng ngoại ngữ, vì môi trường là điều rất quan trọng. Nếu bạn không có môi trường thì phải làm gì để có thể bắt não bộ tư duy bằng ngoại ngữ? Ở đây, mình sẽ chia sẻ một số tips mà mình đã dùng để luyện thói quen tư duy bằng tiếng Trung.
-
Hạn chế sử dụng từ điển Trung-Việt: Từ điển sẽ có ích khi bạn mới bắt đầu học một ngôn ngữ, vì để học và nhớ thì cần phải hiểu nghĩa của từ đó. Tuy nhiên, khi đã lên đến trung cấp, nếu dùng từ điển không đúng cách thì sẽ khiến bạn bị phụ thuộc vào việc dịch từ mới sang tiếng Việt, điều này khiến thói quen suy nghĩ bằng tiếng Trung bị hạn chế.
-
Học từ mới bằng cách nhớ cả câu và hội thoại: Khi học tiếng Trung, nhiều người cảm thấy dễ nói tiếng Trung hơn là tiếng Anh, đó là vì giáo trình cơ bản của tiếng Trung đều được làm theo dạng hội thoại. Việc học theo câu và hội thoại không chỉ giúp chúng ta nhớ nghĩa và cách dùng của từ mới dễ dàng hơn, mà còn giúp chúng ta xây dựng một đoạn hội thoại riêng của mình, phát triển khả năng nghe nói tốt hơn.
-
Nghe và xem thật nhiều: Mình nghe podcast, xem youtube và phim rất nhiều. Ngoài mục đích giải trí, việc nghe và xem phim tiếng Trung giúp mình học được cách nói tự nhiên của người bản xứ, hiểu được ngữ cảnh sử dụng các mẫu câu đó. Những câu nói mà họ dùng trong phim, trong podcast cứ lặp lại trong đầu mình, đến khi gặp tình huống cần thì những câu đó lại tự bật ra trong đầu.
-
Trò chuyện cùng bản thân hoặc người khác bằng tiếng Trung: có người để nói chuyện bằng tiếng Trung là chuyện tốt, nhưng nếu không có thì hoàn toàn có thể nói chuyện một mình. Khi xem phim, mình thích lặp lại câu nói của nhân vật và đáp lại theo cách của mình, đôi khi rất chi là… ngớ ngẩn nên mình thường đối thoại trong đầu, trừ khi ở một mình thì mới bật ra tiếng. Hoặc là có khi nhìn thấy đồ vật xung quanh, mình thường tự tạo một đoạn văn bằng tiếng Trung theo dòng suy nghĩ của riêng mình, ví dụ: “Ồ, đây là cái váy màu hồng. Cái váy này thật đẹp. Mai mình sẽ mặc cái váy này đi chơi. Hi vọng thời tiết sẽ đẹp”… Nhờ có các cách trên mà dần dần mình quen với việc tư duy bằng tiếng Trung, rất hay suy nghĩ bằng tiếng Trung.
Rất khó để có thể tự học một ngoại ngữ mới, nếu không tìm được phương pháp phù hợp và sự kiên trì. Sau nhiều khó khăn thì mình đã chinh phục HSK 5 dù hoàn toàn không học chuyên về tiếng Trung. Tiếng Trung không chỉ giúp mình có CV đẹp hơn, mà còn giúp ích rất nhiều trong quá trình học thạc sĩ và công việc hiện tại của mình nữa. Chúc các bạn thành công trong việc học ngoại ngữ nhé!