Lối sống tối giản không còn xa lạ với thế hệ trẻ ngày nay. Rất nhiều bạn cảm thấy an yên khi lựa chọn sống tối giản, không chỉ về vật chất mà cả tinh thần.
Trên thế giới đã có rất nhiều sách, blog về lối sống tối giản, như cuốn “Lối sống tối giản của người Nhật” của tác giả Sasaki Fumio, cuốn “Nghệ thuật tối giản- có ít đi, sống nhiều hơn” của tác giả Dominique Loreau, cuốn “Dọn cho gọn tâm trí” của Yuko Hirose, nhưng sách của tác giả Việt Nam thì vẫn còn khá hiếm. Một trong số những cuốn sách về chủ đề “Sống tối giản” khiến mình ấn tượng và đọc đi đọc lại nhiều lần chính là cuốn “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” của chị Chi Nguyễn- chủ nhân của blog The Present Writer.
Vẫn lối viết giản dị và chỉn chu như trên blog, “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” đưa ra những quan điểm mở, kinh nghiệm và tư duy mà tác giả đúc kết được dựa trên những trải nghiệm đã có. Dù bạn có hứng thú với lối sống tối giản hay không, mình vẫn nghĩ đây là cuốn sách đáng tìm đọc, vì sự đầu tư chỉn chu cả về nội dung lẫn chất lượng, cùng với những câu chuyện thú vị xảy ra trong cuộc sống của tác giả.
Nếu nói đây là cuốn sách “thuần Việt 100%” thì cũng không hẳn, vì chị Chi bắt đầu và duy trì lối sống tối giản khi đang sinh sống và làm việc ở Mỹ, nhưng chị Chi cũng đã đưa ra những quan niệm về đồ đạc hết sức “Việt Nam”. Trong cuốn sách, các bạn sẽ bắt gặp những suy nghĩ mà hẳn là rất nhiều thế hệ người Việt đều có: giữ lại các món đồ từ hồi còn nhỏ cho đến khi lớn vì sợ sẽ có lúc cần tìm lại; sợ vứt đi thì phí phạm, cảm thấy “tiếc của”; nếu nhà cửa bừa bộn thì tìm cách sắp xếp lại cho gọn gàng, mua thêm nhiều tủ chứa, tức là giấu đồ đạc đi chứ không tìm giải pháp để quản lý đồ đạc … Các bạn có thấy mỗi lần đến Tết, chúng ta thường chỉ lau chùi và sắp xếp lại đồ đạc trong nhà chứ hiếm khi vứt đi những đồ dùng không cần thiết không?
“Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” không đưa ra một “công thức chuẩn” cho các câu hỏi thế nào là sống tối giản, có bao nhiêu đồ đạc thì là sống tối giản, sống thế nào mới là hạnh phúc… mà chủ yếu đưa ra những khái niệm mới, góc nhìn mới, gợi mở và truyền cảm hứng cho bạn đọc để các bạn tự khám phá về lối sống tối giản và tìm ra cách thức phù hợp nhất cho bạn.
“Đối với tôi, sống theo chủ nghĩa tối giản có nghĩa là đơn giản hóa cuộc sống, bỏ đi những thứ không cần thiết để chào đón những thứ cần thiết, có ý nghĩa hơn. Những thứ không cần thiết này có thể là vật dụng, đồ đạc hàng ngày, nhưng cũng có thể là những suy nghĩ tiêu cực, thói quen mua sắm dư thừa, những mối quan hệ không tốt, hay nói một cách dễ hiểu là tất cả những thứ không còn mang lại cho ta niềm vui và ý nghĩa sống. Sau khi trải qua quá trình “thanh lọc” này, đầu óc ta sẽ trở nên thông thoáng hơn, tập trung tốt hơn vào công việc, trân trọng hơn những gì mình đang có, và đón được thêm các cơ hội mới.” (Trích)
Đây thực sự là đoạn đã khiến mình phải nhìn lại quan điểm của mình về lối sống tối giản, khi trước đây mình chỉ chăm chú vào mặt vật chất, luôn suy nghĩ làm thế nào để giảm bớt đồ đạc trong nhà, làm thế nào để nhà cửa luôn gọn gàng, mà chưa hề chú trọng đến lối sống tối giản về mặt tinh thần. Đôi khi mình vẫn còn giữ những suy nghĩ tiêu cực, vẫn cố gắng duy trì một mối quan hệ độc hại, và sau đó là đổ những bực tức trong lòng lên đầu những người xung quanh.
Để có thể “thanh lọc” hết những thứ không cần thiết, những thứ không tốt, trước hết chúng ta cần thay đổi tư duy. Trong cuốn sách chị Chi có nhắc đến: giảm lựa chọn, biết tìm cái ưu tiên, sống cho hiện tại và duy trì tư duy tích cực. Trong đó, cái mình ấn tượng nhất chính là tư duy: Sống cho hiện tại- Be present, nội dung xuyên suốt blog của chị Chi.
“Nếu bạn đang đi giữa đường đời hối hả mà quên mất hôm nay là ngày nào, bây giờ đang là tháng mấy, nếu bạn cảm thấy mình đang đánh rơi nhiều trải nghiệm cuộc sống và nếu bạn không hạnh phúc, có lẽ hôm nay là ngày đầu tiên bạn nên sống cho hiện tại. Hãy nhớ rằng: “Quá khứ đã chết, tương lai chưa sinh ra, chỉ có hiện tại là đang sống”. (Trích)
Bạn có đang gặp phải tình trạng như thế này không? Lên kế hoạch cụ thể cho tương lai, 2 năm nữa sẽ tốt nghiệp thạc sĩ, 5 năm nữa sẽ kết hôn, mua nhà, sinh em bé… và cắm đầu cắm cổ để thực hiện hết tất cả những kế hoạch đó, mỗi ngày đều thấp thỏm, bất an. Hoặc, bạn đang chìm đắm trong nỗi ân hận vì những sai lầm trong quá khứ, mải suy nghĩ về những khả năng có thể xảy ra nếu bạn không mắc sai lầm đó. Những suy nghĩ đó khiến bạn không thể dành 100% thời gian và tinh thần cho những phút giây hiện tại, bỏ qua khoảng thời gian quý báu của hiện tại. Chỉ khi sống cho hiện tại, bạn mới tận hưởng được những điều tốt đẹp xung quanh, từ những điều nhỏ nhặt như mùi hương hoa ven đường, âm thanh của buổi sáng sớm, mùi vị của bữa sáng… đến những điều trân quý trong cuộc đời như thời gian bên gia đình, sự trưởng thành của con cái…
Làm thế nào để sống trọn vẹn từng phút giây của hiện tại trong khi cuộc sống có quá nhiều bộn bề lo toan? Đây thực sự là điều không dễ. Như chị Chi chia sẻ, chị vẫn bận rộn lên kế hoạch cho tương lai, vẫn lo lắng khi đến gần những thời điểm quan trọng, nhưng ngoài giờ làm việc, chị cố gắng tập trung 100% vào hiện tại, quan sát nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, yêu cuộc sống nhiều hơn.
Mình cũng đang loay hoay tìm cách để “sống tối giản”- trước hết là về mặt vật chất, giảm đi những đồ vật thừa thãi trong nhà, tiếp theo là buông bỏ hết những thứ không cần thiết, những suy nghĩ tiêu cực, những mối quan hệ độc hại, những thiết bị điện tử khiến mình xao nhãng… để cân bằng cuộc sống, tận hưởng từng phút giây của hiện tại, “sống cho hiện tại”. Mình nghĩ mình sẽ bắt đầu với việc ghi lại những điều mà mình thấy biết ơn trong ngày để ghi nhận sự trân quý của cuộc sống như chị Chi đã chia sẻ. Hy vọng mình sẽ tìm được sự bình yên trong năm mới 2023 này.