Sau khi nhận được kết quả COE, các bạn sẽ phải xin visa du học sinh ở Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, và sau đó là nhập cảnh vào Nhật. Vậy sau khi nhập cảnh vào Nhật, chúng ta phải làm những thủ tục gì? Để tránh bỡ ngỡ, các bạn nên tìm hiểu trước các thủ tục và chủ động đi làm càng sớm càng tốt.
-
Nhận thẻ lưu trú 在留カード(ざいりゅうかーど) ở sân bay
Hầu hết các sân bay lớn như Narita, Haneda, Kansai, Shinchitose, Fukuoka… đều cấp thẻ lưu trú ở sân bay. Đây được xem là giấy tờ tùy thân của người nước ngoài khi sống ở Nhật, nên cần phải giữ cẩn thận, đồng thời luôn mang theo khi ra ngoài, vì cảnh sát có thể yêu cầu kiểm tra thẻ của các bạn. Nếu không có thẻ thì bị xem như phạm pháp và bị giải về đồn ngay lập tức.
Lưu ý, các bạn nên nộp giấy xin tư cách làm thêm 資格外活動許可申請書 (しかくがいかつどうきょかしんせいしょ)luôn ở sân bay, như vậy thì ở mặt sau thẻ lưu trú sẽ có dấu cho phép làm thêm luôn. nếu không xin ở sân bay thì sau đó sẽ phải lên tận Cục xuất nhập cảnh để xin, rất mất thời gian.
-
Đăng ký địa chỉ
Sau khi nhập cảnh, các bạn phải đến trung tâm hành chính của quận/ thành phố nơi bạn sống để đăng ký địa chỉ, thời hạn là 14 ngày kể từ ngày chuyển đến.
Giấy tờ cần chuẩn bị:
- Hộ chiếu
- Thẻ lưu trú
- Giấy khai báo địa chỉ cư trú (có sẵn ở quầy của khu hành chính)
Sau khi xong thủ tục thì địa chỉ sẽ được điền vào mặt sau thẻ lưu trú của các bạn.
-
Đăng ký bảo hiểm sức khỏe quốc dân 国民健康保険
Sau khi đăng ký địa chỉ, các bạn đến luôn quầy làm thủ tục bảo hiểm sức khỏe quốc dân để đăng ký thẻ bảo hiểm. Thẻ bảo hiểm chi trả 70% tiền viện phí, chi phí khám, thuốc… nếu các bạn không may bị bệnh phải đi khám hoặc nằm viện. Tùy từng khu vực mà có thể các bạn sẽ nhận được thẻ ngay sau khi đăng ký, cũng có nơi sẽ không nhận được ngay mà sau đó phía hành chính sẽ gửi thẻ về nhà các bạn.
Sau khoảng 2 tuần đến 1 tháng, thông báo và hóa đơn bảo hiểm sẽ được gửi về nhà. Các bạn mang hóa đơn này ra conbini đóng đúng hạn, hoặc có thể đăng ký trả tự động bằng tài khoản ngân hàng.
Tiền bảo hiểm được tính dựa trên tổng thu nhập năm ngoái của bạn. Với những bạn mới nhập cảnh chưa có thu nhập, tiền bảo hiểm mỗi tháng vào khoảng từ 1000-3000 yên, tùy từng khu vực. Nếu cảm thấy tiền bảo hiểm hàng tháng quá cao, ví dụ 4000-5000 yên, các bạn nên đến toà nhà hành chính để khai báo thu nhập năm ngoái. Nhiều trường hợp do không khai báo nên tiền bảo hiểm bị tính mức cao.
-
Đăng ký nenkin
Những người từ 20 đến dưới 60 tuổi sống ở Nhật đều phải gia nhập chế độ nenkin của Nhật, nên sau khi đăng ký bảo hiểm xong thì các bạn làm luôn thủ tục nenkin và làm thủ tục xin miễn giảm nenkin luôn. Chế độ xin miễn giảm nenkin dành cho những người có thu nhập năm ngoái thấp hoặc không có thu nhập ở Nhật. Vì các bạn vừa nhập cảnh nên các bạn không có thu nhập ở Nhật, vì thế các bạn có thể xin miễn giảm nenkin.
Có 2 loại miễn giảm nenkin, 1 là dành cho học sinh 国民年金の学生納付特例制度, 2 là dành cho người có công việc làm thêm 保険料免除制度. Nhiều bạn mặc định mình là học sinh nên sẽ sử dụng chế độ số 1. Nhưng trên thực tế thì không phải trường nào cũng nằm trong diện này. Vậy nên các bạn nên hỏi trường xem có thể sử dụng chế độ miễn nenkin dành cho học sinh hay không. Hoặc xác nhận xem trường của mình có nằm trong danh sách miễn giảm hay không ở link này. Nếu như trường của bạn không nằm trong danh sách này thì các bạn có thể sử dụng chế độ số 2 保険料免除制度.
Khoảng 2 tháng sau khi đăng ký miễn giảm, thông báo kết quả sẽ được gửi về nhà. Nếu kết quả là cho phép miễn giảm thì các bạn không cần phải đóng tiền nenkin.
Lưu ý là đôi khi các bạn nhận được hóa đơn tiền nenkin trước khi nhận được kết quả. Thường thì các bạn chưa cần phải trả các hóa đơn đó cho đến khi nhận được kết quả miễn nenkin, nhưng để chắc ăn thì nên xác nhận lại với nhân viên của trung tâm hành chính.
-
Đăng ký thẻ My number
Thông thường, cơ quan quản lý hành chính địa phương sẽ gửi một thẻ thông báo Mã số cá nhân tới địa chỉ đăng ký tạm trú của bạn. Thẻ thông báo này có thể chứng thực Mã số cá nhân của bạn, nhưng không đóng vai trò nhận dạng cá nhân như hộ chiếu, Thẻ cư trú. Để tiện hơn, bạn nên đăng ký để nhận Thẻ mã số cá nhân (個人番号カード). Bạn có thể đăng ký theo 2 cách, hoặc gửi mẫu đơn đăng ký qua đường bưu điện, hoặc đăng ký trực tuyến. Các bước chi tiết được trình bày cụ thể trong giấy hướng dẫn đăng ký được gửi kèm với thẻ thông báo. Sau đó thì thông báo hẹn ngày đến lấy thẻ sẽ được gửi về nhà. Bạn lại làm theo hướng dẫn để hẹn lịch đến lấy thẻ.
-
Mở tài khoản ngân hàng
Hiện nay, ngân hàng dễ mở nhất là ngân hàng bưu điện JP bank (yucho). Để mở tài khoản ngân hàng JP bank, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Đơn xin mở tài khoản (có thể tự điền và in trước ở link này)
- Thẻ lưu trú
- Thẻ học sinh
- Con dấu (nếu có, không có thì có thể dùng chữ ký)
Về cơ bản, ngân hàng bưu điện JP bank yêu cầu bạn sẽ phải mở tài khoản ở chi nhánh gần nơi ở hoặc gần trường học. Ngoài ra, hiện nay, do lượng học sinh có nhu cầu mở tài khoản quá nhiều nên nhiều nơi yêu cầu phải hẹn lịch trước mới làm thủ tục cho, hoặc yêu cầu phải có người biết tiếng Nhật đi theo, nếu không sẽ bị từ chối.
Sau khi làm xong thủ tục ở ngân hàng, bạn có thể nhận được sổ ngân hàng ngay trong ngày, còn thẻ sẽ được gửi về chỗ ở khoảng 2 tuần sau đó. Tuy nhiên, nếu tên của bạn bị trùng nhiều (Việt Nam rất dễ bị trùng tên) thì bạn không được nhận sổ ngay mà phải chờ bên ngân hàng điều tra kỹ càng về thông tin cá nhân của bạn, mất khoảng 1-2 tuần. Nếu không có vấn đề gì thì sổ ngân hàng và thẻ ngân hàng sẽ được gửi về nhà bạn.
Ngoài cách trực tiếp ra ngân hàng mở tài khoản, các bạn có có thể chọn lựa mở tài khoản qua app của JP bank. Cách này thì tiện lợi cho những bạn không có thời gian ra ngân hàng, nhưng mất thời gian hơn, đồng thời nếu bạn điền sai chỉ một thông tin thôi thì ngân hàng cũng sẽ từ chối mở tài khoản chứ không cho bạn sửa lại.