Ở bài Nhìn lại năm cũ và mục tiêu cho năm mới, mình có chia sẻ về việc đầu tư sinh lời bên Nhật. Khá nhiều bạn inbox hỏi nhà mình sử dụng hình thức đầu tư gì. Hôm nay mình xin bật mí một hình thức đầu tư mà nhà mình sử dụng: hình thức đầu tư miễn thuế NISA.
NISA là gì?
Thông thường, khi đầu tư chứng khoán hay các loại hình đầu tư khác, chúng ta sẽ phải trả khoảng 20% tiền thuế cho phần lợi nhuận (lợi nhuận giao dịch, cổ tức, lợi ích cổ đông) mà chúng ta nhận được.
Tuy nhiên, nếu bạn đăng ký tài khoản theo chế độ NISA, bạn sẽ được miễn thuế cho phần lợi nhuận nhận được nếu giao dịch một năm nằm trong hạn mức quy định.
NISA gồm 3 loại: NISA thường (一般NISA), Tsumitate NISA (つみたてNISA)và Junior NISA. Trong bài này, mình sẽ chủ yếu nói về NISA thường, vì gia đình mình sử dụng tài khoản NISA thường để đầu tư.
Điều kiện mở tài khoản NISA
-
Trên 20 tuổi, đang sống ở Nhật
-
Mỗi người được phép mở 1 tài khoản
-
Hạn ngạch đầu tư là 120 man yên/năm, tổng hạn ngạch đầu tư miễn thuế là 600 man (120 man x 5 năm). Lưu ý, hạn ngạch đầu tư được tính từ ngày nhận chứng khoán về tài khoản chứ không phải ngày mở tài khoản.
-
Có thời hạn miễn thuế là 5 năm kể từ ngày mở tài khoản. Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn 5 năm, có thể sử dụng ロールオーバー để được miễn thuế thêm 5 năm nữa, tức là thời hạn miễn thuế tối đa có thể lên đến 10 năm.
-
Dùng được cho chứng khoán trong và ngoài nước, uỷ thác đầu tư chứng khoán
Đặc điểm của tài khoản NISA
-
Tài khoản NISA cho phép đầu tư 120 man yên/ năm. Nếu trong năm chưa mua đủ 120 man thì cũng không được phép cộng gộp vào năm sau.
-
Chỉ được áp dụng cho đầu tư mới, với những khoản đầu tư hiện có như cổ phiếu thì không chuyển được sang.
-
Lợi nhuận hay lỗ của NISA không được chuyển sang tài khoản khác.
Ví dụ: năm 2022, bạn chỉ mua vào 50 man tiền cổ phiếu thì so với hạn mức thì bạn còn thừa 70 man chưa giao dịch, và 70 man này không được phép cộng gộp vào năm 2023. Giao dịch bán ra không tính trong 120 man nên giá cổ phiếu tăng lên 60 man bạn bán ra thì trong năm 2022 bạn vẫn có thể mua vào 70 man nữa.
Một số công ty chứng khoán có thể lựa chọn để mở tài khoản NISA
-
SBI証券: có thể mua cổ phiếu nước ngoài của 9 quốc gia, mở rộng phạm vi lựa chọn
-
楽天証券: có thể dùng rakuten point để đầu tư
-
マネックス証券: được cộng điểm nếu sử dụng hình thức ủy thác đầu tư
Sau 1 năm mở tài khoản NISA, mình có rút ra được một số đặc điểm như sau:
-
NISA không thích hợp để đầu tư lướt sóng ăn lời nhiều, vì hạn ngạch đầu tư 1 năm chỉ có 120 man.
-
Vì không phải là đầu tư lướt sóng, nên nhà mình hoàn toàn không mất nhiều thời gian để theo dõi thị trường. Chủ yếu là mất nhiều thời gian để tìm hiểu về chế độ NISA và thời gian đầu khi cân nhắc cổ phiếu để mua.
-
Nên chọn những loại cổ tức cao, từ 4% trở lên, như vậy chắc chắn là có lời hơn so với lãi suất ngân hàng ở Nhật.
-
Sử dụng NISA, chúng ta sẽ nhận được 3 phần lãi: cổ tức, tiền lãi sau khi bán cổ phiếu, tiền lãi chênh lệch cổ phiếu (chưa bán). Trong trường hợp nhà mình, tổng lãi thực tế đã nhận là hơn 10%, trong đó, 5% đến từ cổ tức, 5% đến từ lãi sau khi bán cổ phiếu. Ngoài ra, giá cổ phiếu hiện tại mà mình sở hữu đã tăng hơn 5% so với giá mua ban đầu. Tổng lãi mà mình nhận được có thể xem là tháng lương thứ 13.
Từ những đặc điểm trên, mình nhận thấy NISA phù hợp với những gia đình có nhu cầu tìm kiếm một hình thức đầu tư không quá mạo hiểm mà vẫn có lời nhất định. Lãi khi gửi theo hình thức 定期預金 cao nhất cũng chỉ khoảng 0.03%, trong khi chỉ tính riêng cổ tức mỗi năm bạn đã nhận được khoảng 4-5% thì mình thấy hoàn toàn có thể cân nhắc hình thức này.