• Điền hồ sơ
  • Thủ tục visa
  • Cuộc sống ở Nhật
    • Nuôi dạy con ở Nhật
  • Góc học tập
    • Học tiếng Nhật
    • Học tiếng Trung
    • Học tiếng Hàn

Bài viết được quan tâm

Sinh con tại Nhật | Phần 2: Những thủ tục cần làm sau khi sinh con

Gia hạn visa cho con ở Nhật

Thủ tục bảo lãnh người thân sang Nhật

Những trợ cấp khi sinh con tại Nhật

Làm thêm ở Nhật| Thu nhập bao nhiêu thì bị tách thuế?

Bài viết mới

Ngữ pháp N1 | Mẫu câu ただ〜のみ

Thủ tục khai sinh cho con tại đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo

Ngữ pháp N1 | Mẫu câu 〜そばから

Gặp gỡ Yến Đào- người truyền cảm hứng

Trắc nghiệm Kanji N1 phần 4

Từ khóa phổ biến

  • học ngoại ngữ
  • học tiếng Nhật
  • JLPT
  • N1
  • ngữ pháp N1
  • cuộc sống ở Nhật
  • thủ tục visa
  • tiết kiệm
  • học tiếng Trung
  • ngữ pháp
  • sinh con tại Nhật
  • nuôi dạy con
  • từ vựng N1
  • đổi visa
  • luyện thi N1
  • đề thi N1
  • điền hồ sơ
  • đầu tư
  • chi tiêu hiệu quả
  • vĩnh trú
  • kanji
  • phó từ
  • hộ chiếu
  • học tập
  • visa lao động
  • học lái xe
  • ô tô
  • Montessori
  • nhân lực chất lượng cao
  • visa gia đình
  • review sách
  • dokkai
  • đại sứ quán
  • quản lý tài chính
  • hiệu suất công việc
  • thủ tục nhập cảnh
  • làm việc ở Nhật
  • học tiếng Anh
  • visa tokutei katsudo
  • sống tích cực
  • sách hay
  • sống tối giản
  • tư duy tích cực
  • my number
  • e tax
  • 国税
  • 納税証明書
  • その3
  • công việc
  • năng lượng tích cực

Câu chuyện truyền cảm hứng về bà mẹ Nhật vừa chăm con vừa theo học Đại học Harvard

Thứ sáu, 29/04/2022 - 12:15 Cuộc sống ở Nhật review sách, cuộc sống ở Nhật

Đã khá lâu rồi mình mới đọc một cuốn sách trọn vẹn từ đầu đến cuối trong 3 ngày, không hề bỏ qua một đoạn nào vì mỗi trang viết đều kể lại những trải nghiệm thú vị của tác giả. Cuốn sách có tên 「時間がない」から、なんでもできる!」(Tạm dịch: Chính vì không có thời gian nên cái gì cũng làm được!”) xuất bản từ năm 2013, ghi lại hành trình của cô Yoshida Honami- người được biết đến là bà mẹ 5 con nhưng vẫn giành được tấm bằng thạc sĩ của trường y tế công cộng Harvard thuộc Đại học Harvard, từ thời gian chuẩn bị du học cho đến khi dẫn cả gia đình gồm chồng và 3 con nhỏ sang Mỹ du học, sau đó là cuộc sống của đại gia đình gồm 5 con nhỏ sau khi quay về Nhật.

Cô Yoshida vốn là bác sĩ phụ sản tại một bệnh viện ở Tokyo. Cô luôn muốn học hỏi, cập nhật kiến thức mới để có thể giúp đỡ thêm nhiều người bệnh, nhưng mỗi ngày chỉ đảm bảo việc nhà, chăm con và chuyên tâm cho công việc chính thức cũng đủ khiến cô lúc nào cũng bận rộn, không còn thời gian để nghĩ đến việc học thêm. Cho đến khi con gái đầu của cô phải nhập viện điều trị vì bệnh hen suyễn, cô cảm thấy bản thân cần phải học hỏi thêm nhiều hơn nữa, đặc biệt là chuyên ngành miễn dịch để có thể giúp được cho nhiều người bệnh như con gái cô và đã quyết định đi du học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sau 6 tháng chuẩn bị, vừa học tiếng Anh, toán, vừa viết bài luận, vừa hoàn thành công việc ở bệnh viện, chăm sóc gia đình, mang bầu bé thứ 3, cô nhận được thông báo trúng tuyển của trường y tế công cộng Harvard và cùng gia đình đến Mỹ du học khi bé thứ 3 được 1 tháng tuổi.

Những điều kể trên nghe thật khó tin đúng không các bạn? Bạn nào đang nuôi con nhỏ chắc sẽ hiểu, chăm 1 đứa con và hoàn thành tốt công việc đã là cả quá trình cần sự nỗ lực và hi sinh rất lớn của người mẹ, nhưng với cô Yoshida, cô không chỉ làm vợ, làm mẹ, làm bác sĩ mà còn trở thành sinh viên trường Đại học bậc nhất nhì thế giới. Ai nghe câu chuyện của cô cũng tưởng rằng cô là bà mẹ siêu nhân, nhưng cho rằng mình hoàn toàn không phải siêu nhân, chỉ đơn giản là một người mẹ bình thường, cũng gặp phải những vấn đề mà các bà mẹ bỉm sữa khác thường gặp, đặc biệt là vấn đề KHÔNG CÓ THỜI GIAN và stress vì điều đó. Nhưng khác với đại đa số mẹ bỉm sữa không tìm được giải pháp phù hợp để cải thiện tình trạng trên, cô đã quyết tâm thay đổi tư tưởng để tìm được thời gian cho bản thân, đạt được mục tiêu trong thời gian cực ngắn.

Vậy những điều gì đã làm nên thành công của mẹ Yoshida?

  1. Biến bận rộn thành động lực

    Cô Yoshida cho rằng: càng những lúc bận rộn, không có thời gian tự do, con người càng có xu hướng nghĩ đến nhiều thứ mà bản thân thực sự muốn làm: muốn học thêm chuyên ngành mới, muốn tham dự hội thảo, đi du học… Nếu biết cách tận dụng để biến những ý tưởng đó trở thành hiện thực thì các bạn sẽ có cơ hội để hoàn thiện bản thân hơn.

    Bản thân cô Yoshida đã chứng minh được rằng, bận rộn không phải là trở ngại mà chính là động lực để cô bứt phá, đạt được bước tiến lớn trong sự nghiệp và cuộc sống gia đình. Trong lúc bận rộn nhất, cô nghĩ đến việc đi du học nên cô chuẩn bị để hoàn thiện hồ sơ du học. Trong khi chuẩn bị đi du học, cô muốn có thêm em bé thứ 3, và thật sự sinh em bé thứ 3 trước khi lên đường đi du học. Trong thời gian du học vất vả bên Mỹ, cô sinh em bé thứ 4, gia đình 5 thành viên gồm 3 em bé nhỏ cùng sống ở bên Mỹ không phải là chuyện dễ dàng gì.

  2. Không lựa chọn Or mà lựa chọn And, làm tất cả những việc mình muốn làm cùng một lúc

    Mỗi khi gặp câu hỏi ưu tiên sự nghiệp hay gia đình, cô sẽ không ngần ngại mà trả lời cần cả 2. Theo cô, tại sao lại phải lựa chọn 1 trong 2, trong khi cả 2 đều là thứ mà bản thân muốn làm tốt? Vì thế, chủ trương của cô là những gì bản thân thực sự muốn làm thì cô sẽ đầu tư cho những thứ đó, chứ không bỏ lại bất cứ thứ nào đằng sau.

    Ví dụ như thời điểm cô quyết định sẽ chuẩn bị để đi du học cô vẫn tiếp tục công việc ở bệnh viện phụ sản, đồng thời đây cũng là thời điểm mà cô muốn sinh thêm con thứ 3. Nếu là người khác hay cụ thể hơn là mẹ Kem, thì sẽ cân nhắc điều gì nên ưu tiên ở thời điểm này và sẽ từ bỏ một số nguyện vọng để tập trung cho điều đó, chứ chắc ít người như cô Yoshida, quyết định làm tất cả mọi việc cùng lúc, chưa kể việc sinh thêm một đứa con sẽ tốn thêm nhiều thời gian chăm sóc.

  3. Không trì hoãn, không chờ đợi cơ hội

    Con người thường có xu hướng trì hoãn công việc cần làm vì nhiều lý do khác nhau, và trì hoãn chính là cản trở lớn khiến chúng ta khó đạt được mục tiêu của mình. Bạn muốn đọc một cuốn sách, nhưng do hiện tại quá bận bạn muốn chờ đến khi có thật nhiều thời gian rảnh rỗi thì mới bắt đầu đọc, kết quả là mãi chưa lật được trang sách. Bạn muốn học thêm tiếng Anh, nhưng thời gian có thể ngồi vào bàn học mỗi ngày chỉ là 15 phút, 15 phút thì quá ít so với mục tiêu của bạn. Bạn chờ đến ngày mà có hẳn 1 tiếng để học, và tất nhiên, ngày đó mãi không đến, kế hoạch học tiếng Anh cũng đổ bể.

    Cô Yoshida thì khác, cô chủ trương việc cần làm là phải làm ngay, không chờ đợi “thời cơ”, không chờ đến khi có thời gian thật rảnh mới làm, mà ngược lại, chính vì bận rộn mà cần tận dụng triệt để thời gian trống.

  4. Sử dụng thời gian hiệu quả

    Các bạn đã nghe câu đố về viên đá lớn, viên đá nhỏ và những hạt cát mịn bao giờ chưa? Giả sử, cho bạn 3 viên đá lớn, 10 viên đá nhỏ hơn, 1 túi cát mịn và 1 cái xô nhỏ, đố bạn làm thế nào để cho cả 3 thứ kia vào trong xô, càng nhiều càng tốt?

    Câu trả lời ở đây là cho 3 thứ kia vào trong xô theo thứ tự: viên đá lớn, viên đá nhỏ, rồi mới đến hạt cát mịn. Nếu như bạn cho những hạt cát mịn vào trước thì có khả năng sẽ không đủ diện tích cho những viên đá lớn. Ngược lại, nếu bạn cho những viên đá lớn vào trước, còn thừa khoảng trống thì cho những viên đá nhỏ hơn vào, cuối cùng là đổ cát vào, vì cát có thể lấp đầy những khoảng trống rất nhỏ giữa các viên đá.

    Cách quản lý thời gian tối ưu cũng như vậy. Nếu các bạn dành thời gian cho những việc không mấy quan trọng như hạt cát mịn trước thì có thể sẽ không có thời gian dành cho những việc quan trọng như viên đá lớn. Vì thế, khi lên danh sách những việc cần làm, cô sẽ đánh dấu mức độ quan trọng và cấp bách của tất cả các việc cần làm, đồng thời làm rõ khi nào làm việc gì thì sẽ có hiệu quả tốt nhất. Bằng cách này, Yoshida có thể sắp xếp hợp lý cho tất cả mọi công việc mà cô cần phải làm để đạt được mục tiêu trong thời hạn.

    Ngoài ra, để có thể hoàn thành mục tiêu, một thời gian biểu hợp lý là điều cực kỳ quan trọng. Cô đã phải thay đổi thói quen sinh hoạt để dành thời gian cho việc học tập và chuẩn bị hồ sơ đi du học. Các bạn có thể tham khảo sự thay đổi về thời gian biểu của cô ở dưới đây.

    Cô thay đổi giờ thức dậy thành 3 giờ sáng, từ 3 giờ đến 6 giờ là thời gian cô có thể học mà không bị gián đoạn nên cô dành 3 tiếng này cho việc quan trọng nhất, cũng là “viên đá lớn” của cô, đó là học tập. Ngoài ra, thời gian trên đường đi làm và đi làm về khá dài, nên cũng được cô tận dụng để học bài, nhưng thời gian trên tàu dễ gián đoạn hơn 3 tiếng dậy sớm, nên cô thường dùng để học và nghe từ mới tiếng Anh. Ngoài các thời gian trên, cô còn tận dụng triệt để thời gian trống. Dù chỉ là vài phút đi bộ từ ga đến nhà trẻ đón con, hay thời gian ngắn trên tàu cũng được cô tận dụng để nghe từ mới, điền hồ sơ, giấy tờ… Thậm chí, trong lúc gấp quần áo, cô còn nghĩ đến cách trả lời email công việc, sao cho đến khi ngồi vào bàn thì cô chỉ cần gõ ý tưởng của mình ra là xong.

  5. Thay đổi tư duy để tìm kiếm sự hiệu quả

    Con người hay có những tư duy, thói quen do tự bản thân đặt ra và dễ bị chúng kiểm soát. Nhưng nếu biết thay đổi những điều này thì bạn sẽ có thêm thời gian để làm điều mình muốn.

    Chúng ta hay nghĩ rằng, làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn, không được lơ lửng giữa chừng. Vì tư duy này mà chúng ta có thể đã đánh mất nhiều cơ hội học hỏi thêm kiến thức mới. Ví dụ, nếu có một hội thảo từ 5 giờ đến 7 giờ, nhưng bạn chỉ có thời gian tham gia từ 6 giờ đến 7 giờ, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ không đăng ký tham gia hội thảo đó, vì dù sao các bạn cũng không tham gia từ đầu đến cuối được? Không, cô Yoshida cho rằng tham gia 1 tiếng đồng hồ còn hơn là không tham gia một phút nào, vì thế, cô sẽ tham gia mọi hội thảo mà cô có hứng thú, dù thời gian không cho phép cô tham gia cả cuộc hội thảo đó.

    Trong cuốn sách, cô Yoshida còn nhắc đến thói quen tắm bồn mỗi ngày của người Nhật. Rất nhiều người Nhật có thói quen tắm bồn hàng ngày, mỗi ngày như vậy sẽ mất ít nhất là 30 phút. Cô Yoshida cho rằng nếu 3 ngày mới tắm bồn 1 lần thì sẽ tiết kiệm được kha khá thời gian. Hay có những bà mẹ cho rằng phải dành nhiều thời gian để chuẩn bị bữa ăn phong phú đủ món thì mới làm tròn trách nhiệm của người mẹ, trong khi chỉ cần món ăn đầy đủ dinh dưỡng là được, không nhất thiết phải thường xuyên làm nhiều món cầu kỳ.

    Đặc biệt, người mẹ nào cũng muốn được tự tay chăm sóc, tự tay làm tất cả mọi việc cho con của mình, nhưng bạn sẽ không còn thời gian làm việc khác. Cô Yoshida cũng trăn trở rất nhiều về vấn đề này và nhận được tư vấn từ mẹ ruột: đừng ôm mọi việc vào mình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác. Có thể nhờ người nào khác, khi mà công việc của chồng cô cũng rất bận rộn, bố mẹ 2 bên đều ở xa và vẫn còn có công việc? Và cô đưa đến quyết định tìm người giúp việc theo giờ. Cô quyết định giảm tải hết những công việc có thể nhờ người khác, như nấu bữa tối, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ và cất quần áo… để dành thời gian cho việc học hành, dành thời gian chơi với con, và thời gian cho công việc.

    Việc thuê người giúp việc ở Việt Nam không xa lạ gì, nhưng không quá phổ biến ở Nhật. Cô Yoshida cũng mất nhiều thời gian đấu tranh mới đưa đến quyết định này, và đến giờ cô cho rằng việc nhờ đến sự giúp đỡ của người khác khi cần là một trong những kỹ năng sinh tồn cơ bản mà cô muốn dạy cho con. Cũng nhờ tư duy không ngại nhờ vả người khác mà tuy gặp nhiều khó khăn trong quá trình du học, gia đình cô cũng đã vượt qua được tất cả.


Mỗi câu trong sách của cô đều khiến mình liên tưởng đến bản thân. Hồi còn đi học, ngoài thời gian đến trường, học bài và thỉnh thoảng đi làm thêm, mình có rất nhiều thời gian cho bản thân nhưng mình hoàn toàn không nghĩ đến chuyện đó. Chỉ đến khi đi làm, lấy chồng, sinh con, bị gia đình và công việc lấy hết thời gian thì mình mới bắt đầu có ao ước muốn có thời gian “tự do” và biết bao kế hoạch hoàn thiện bản thân được vẽ ra. Nhưng không giống cô Yoshida, hiện tại phần lớn kế hoạch của mình vẫn chỉ nằm trong đầu, vì mình chưa tìm được cách sử dụng thời gian thực sự hiệu quả, và vẫn còn chưa đủ quyết tâm.

Nhưng câu chuyện của cô Yoshida đã truyền cảm hứng rất lớn cho mình, khiến mình có thêm động lực để kiên trì với mục tiêu dài hạn. Tin rằng không chỉ với mình, câu chuyện của cô sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều bà mẹ khác đang loay hoay đi tìm giải pháp và hướng đi cho bản thân mình.

Chuyện nhà Kem

Nơi chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm mà gia đình Kem đã trải qua tại Nhật Bản với hi vọng đem đến những thông tin hữu ích cho mọi người.

Liên hệ góp ý

Các bạn có thể gửi câu hỏi, yêu cầu hay những ý kiến đóng góp cho mình thông qua địa chỉ liên hệ dưới đây:

Email: [email protected]

Facebook: chuyennhakem

Kết nối với nhà Kem

© Copyright Chuyện nhà Kem. All Rights Reserved